Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

2. CHỌN VÀ ĐẶT TÊN ĐỀ TÀI

1. Khái niệm đề tài khoa học
Theo Nguyễn Văn Hộ, “đề tài khoa học (Subject) là một vấn đề khoa học[1] có chứa một nội dung thông tin chưa biết, cần phải nghiên cứu làm sáng tỏ. Nói đơn giản, đề tài khoa học là một câu hỏi, một vấn đề của khoa học cần phải giải đáp và khi giải đáp được thì làm cho khoa học tiến thêm một bước”[2].
Đề tài nghiên cứu khoa học có thể là một vấn đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển của một ngành, của xã hội, của quốc gia, là một công thức khoa học cụ thể nào đó cần chứng minh, cũng có thể là một vấn đề xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống hay nhu cầu phát triển khoa học. Do đó, một đề tài khoa học dù lớn hay nhỏ đều phải có tính mới mẻ, tính thời sự (cấp thiết cần nghiên cứu) và tính thực tiễn.
Đề tài khoa học được diễn đạt bằng tên đề tài. Tên đề tài là tên gọi của vấn đề khoa học mà nhà khoa học cần nghiên cứu, được diễn đạt bằng một câu ngữ pháp trọn vẹn, ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản và chỉ có một nghĩa, chứa đựng vấn đề cần nghiên cứu. Không nên sử dụng những thuật ngữ có nhiều lớp nghĩa trong tên của đề tài nghiên cứu.
2. Chọn đề tài
Chọn đề tài là công việc đầu tiên đối với nhà nghiên cứu. Đối với những đề tài do Nhà nước, các cơ quan, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội đặt hàng, nhà khoa học chỉ cần suy nghĩ xem mình có đủ khả năng và điều kiện để nhận đề tài hay không là đủ, còn đối với các đề tài khác, nhà khoa học phải xuất phát từ những vấn đề nảy sinh do nhu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra cần giải quyết để chọn những đề tài có tính cấp thiết, đề xuất với các cơ quan quản lí.
Riêng đối với luận văn, luận án, tiểu luận: đề tài nghiên cứu có thể do cơ sở đào tạo, các giảng viên gợi ý hay do chính bản thân người học tự đề xuất và được giảng viên chấp thuận.
Thông thường, các cơ sở đào tạo thường khuyến khích người học tự đề xuất vấn đề nghiên cứu trên cơ sở năng lực, sở trường, hay những ý tưởng đã hình thành trước đó của mình. Những ý tưởng nghiên cứu thường được hình thành khi: nghe giảng trên lớp; đọc sách báo; trao đổi, tranh luận với các nhà khoa học, bạn bè, trong quá trình thực tập, phát hiện những vướng mắc nảy sinh trong thực tế cuộc sống.
Vậy làm sao để chọn được một đề tài hay?. Đó là câu hỏi mà bất kì người nghiên cứu nào cũng phải trăn trở. Theo Michel Beaud, một đề tài hay trước hết phải là đề tài mà người nghiên cứu yêu thích, say mê và sẵn sàng dấn thân vì nó; tiếp đến là nó không trùng lặp với các đề tài khác và có nguồn tài liệu tham khảo phong phú, tin cậy; thứ ba đó là một vấn đề khoa học đang có nhiều tranh luận, chưa có được sự thống nhất, mở ra cho người nghiên cứu cơ hội mang lại những đóng góp khoa học mới và cuối cùng là đề tài phục vụ cho những dự định hoặc liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp của người nghiên cứu trong tương lai[3].
Từ những quan điểm trên cho thấy, một đề tài được đánh giá là tốt và có khả năng thực hiện thành công cao khi đáp ứng được những yêu cầu sau đây: Đề tài có tính mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn; có tính cấp thiết; người nghiên cứu phải có đủ điều kiện đảm bảo cho việc hoàn thành đề tài và đề tài phải phù hợp với năng lực và sở thích của người nghiên cứu.
Thứ nhất là tính mới của đề tài: một đề tài mới có thể là một đề tài chưa có ai làm (ở trong và ngoài nước) hoặc là đề tài có kết quả dự kiến khác biệt với các kết quả đã có hoặc là phương pháp, cách tiếp cận mới.
Bàn về tính mới trong nghiên cứu khoa học của các luận án tiến sĩ, Trần Văn Thọ cho rằng: “luận án tiến sĩ phải có tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới”[4].
Theo Nguyễn Văn Tuấn thì:
Cái mới trong nghiên cứu có thể là mới về ý tưởng, mới về cách tiếp cận, mới về phương pháp, mới về kết quả hoặc mới về cách diễn giải. Ngày nay, rất khó có một nghiên cứu hoàn toàn mới, mà chỉ mới trong một hay hai khía cạnh trên. Do đó, một câu hỏi nghiên cứu không cần phải hoàn toàn mới và nguyên thủy, nhưng cần phải có cách tiếp cận hay phương pháp mới[5].
Thứ hai, ý nghĩa khoa học của đề tài: khám phá và công bố những tri thức khoa học mới, phương pháp mới.
Thứ ba, ý nghĩa thực tiễn của đề tài: giải quyết các vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoặc cuộc sống, xây dựng luận cứ cho các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Thứ tư, tính khả thi: người nghiên cứu phải có đủ điều kiện cho việc hoàn thành đề tài như: nguồn thông tin, tư liệu, người hướng dẫn khoa học và thời gian…
Thứ năm, đề tài phải xuất phát từ nhu cầu của tác giả và được tác giả yêu thích, đồng thời phải phù hợp với năng lực, điều kiện của tác giả. Dù đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, có tính cấp thiết, nhưng nếu tác giả không có hứng thú và không phù hợp với năng lực, điều kiện của tác giả thì đề tài sẽ khó thực hiện thành công. Đã có không ít sinh viên, học viên khi làm khóa luận, luận văn thạc sĩ, thậm chí là luận án tiến sĩ đành phải bỏ cuộc do không lượng được sức mình.
Khi chọn đề tài, người nghiên cứu cần lưu ý đến yếu tố này. Tránh chọn những đề tài quá lớn, đề tài nghiên cứu về tương lai hoặc mang tính thời sự còn đang diễn ra và có thể biến đổi trong tiến trình nghiên cứu.
3. Đặt tên đề tài
Việc đặt tên đề tài một cách chuẩn xác là rất quan trọng vì nó giúp người nghiên cứu xác định được đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Tên đề tài phải ngắn gọn, súc tích, ít chữ nhất nhưng chứa đựng nhiều thông tin nhất. Ngôn ngữ dùng trong tên đề tài phải rõ ràng, chuẩn xác để có thể được hiểu theo một nghĩa duy nhất, không tạo khả năng hiểu thành nhiều nghĩa.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không nên đặt tên đề tài khoa học bằng những cụm từ có độ bất định cao về thông tin, như: “Vài suy nghĩ về…”; “Thử bàn về…”; “Về vấn đề…”; “Góp phần vào…”. Cách đặt tên như trên chỉ thích hợp cho một bài báo chứ không thích hợp cho một công trình khoa học nói chung và khóa luận, luận văn, luận án nói riêng. Trong quá trình xác định tên đề tài luận văn, luận án, người nghiên cứu cần tham khảo ý kiến của người hướng dẫn khoa học.
Không đặt tên dưới dạng câu hỏi, câu khẳng định hoặc phủ định.



[1] Vấn đề khoa học về bản chất là một sự kiện, hiện tượng mới phát hiện mà khoa học chưa biết, là một sự thiếu hụt của lý thuyết hay một mâu thuẫn của thực tiễn đang cản trở bước tiến của con người, với kiến thức cũ, kinh nghiệm cũ không giải thích được, đòi hỏi các nhà khoa học nghiên cứu làm sáng tỏ. Điều đó có nghĩa là một vấn đề trở thành đề tài khoa học phải có các điều kiện sau: Một là, đó là sự kiện hay hiện tượng mới chưa từng ai biêt, một mâu thuẫn hay vướng mắc cản trở bước tiến của khoa học hay thực tiễn. Hai là, bằng kiến thức cũ không thể giải quyết được, đòi hỏi các nhà khoa học phải nghiên cứu giải quyết. Ba là, vấn đề nếu được giải quyết sẽ cho một thông tin mới có giá trị cho khoa học hay làm khai thông các hoạt động của thực tiễn[Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Đăng Bình (2004), sđd, tr. 87].
[2] Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Đăng Bình (2004), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Tài liệu dùng cho lớp cao học thạc sĩ), Đại học Thái Nguyên, tr. 87.
[3] Xem thêm: Michel Beaud (2013), Nghệ thuật viết luận văn, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr. 25 - 31.
[4] Trần Văn Thọ, Về việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ tại Việt Nam,http://www.vanhoanghean.com.vn/ van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/ve-viec-dao-tao-va-cap-bang-tien-si-tai-viet-nam, thứ năm, 17/12/2009.
[5] Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 30.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.