1. Hình thức trình bày và văn phong
khoa học
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào
tạo, hình thức trình bày công trình khoa học thuộc thể loại luận văn, luận án cần
tuân thủ các quy định sau:
Từ bìa cho đến các trang nội dung của
công trình khoa học (luận văn, luận án) phải được đánh máy và in trên một mặt
giấy trắng khổ A4 (210 ´ 297 mm). Trình bày chân phương,
nghiêm túc, theo đúng những quy định sau đây: Bảng mã Unicode, font chữ: Times New Roman, cỡ chữ 13 hoặc 14; mật
độ bình thường, không nén hoặc giãn khoảng cách giữa các chữ, giãn dòng đặt ở
chế độ 1.5 Lines, lề trên 3.5 cm, lề dưới 3 cm, lề trái 3.5 cm, lề phải 2 cm. Số
trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy.
Tuyệt đối không được thêm các hình vẽ
ở các trang bìa, cũng như không được kẻ thêm vạch hay viết thêm tên người hướng
dẫn, tên tác giả ở phía trên và phía dưới ở các trang bên trong.
Các tiểu mục của niên luận, khóa luận,
luận văn, luận án được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn
chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 4.1.2.1. chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu
mục 2 mục 1 của chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục,
nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2….
Công trình khoa học phải được viết chuẩn xác, rõ ràng, mạch lạc, số liệu và các nguồn
trích dẫn phải chính xác và đáng tin cậy. Khác với các bài phóng sự, tả cảnh, bút chiến, văn phong của công
trình khoa học phải thể hiện sự nghiêm túc, giản dị, khoa học.
Trong tác phẩm khoa học, người nghiên cứu chủ yếu
đưa ra, trình bày các sự kiện, những luận cứ, luận chứng một cách khách quan, rồi
phân tích, lập luận, chứng minh để rút ra những kết luận có sức thuyết phục,
tránh thể hiện tình cảm yêu, ghét đối với đối tượng nghiên cứu và tránh dùng
nhiều tính từ, lối so sánh, ẩn dụ, ví von… Lời văn chủ yếu được dùng ở thể bị động,
nên tránh dùng đại từ nhân xưng, như tôi,
chúng tôi, em… mà thay vào đó có thể dùng tác giả, người viết
khóa luận/luận văn/luận án.
2. Viết lời cam đoan
Ngoài việc phải tuân thủ những quy định
của luật sở hữu trí tuệ và quy chế đào tạo, các sinh viên, học viên cao học và
nghiên cứu sinh còn phải viết lời cam đoan danh dự về công trình khoa học của
mình ngay trang đầu tiên của công trình. Dưới đây là lời cam đoan trong một số
luận án:
Lời cam đoan trong luận án tiến sĩ Dạy học Giáo dục học ở đại học sư phạm theo hướng tiếp
cận năng lực thực hiện: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công
bố trong bất kỳ công trình nào khác”[2].
Lời cam đoan trong luận án Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ 1986 đến
2006:
“Tôi xin
cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và sử liệu được
trích dẫn trong luận án là trung thực, được chú thích nguồn gốc rõ ràng. Những
kết luận khoa học của luận án chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình
nào khác”[3].
Lời cam đoan trong luận án tiến sĩ Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống âm mưu chia
cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp giai đoạn 1945 – 1949:
“Tôi xin
cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu được
sử dụng có nguồn gốc rõ ràng, những đánh giá nhận định trong luận án do cá nhân
tôi nghiên cứu dựa trên những tư liệu xác thực và chưa được công bố ở bất kì
công trình nào”[4].
Như vậy, những lời cam đoan trong các
công trình thường không giống nhau hoàn toàn. Tùy vào việc đề tài sử dụng nguồn
tài liệu sơ cấp hay thứ cấp, tác giả viết nội dung của lời cam đoan cho phù hợp
với đặc điểm của đề tài.
3. Viết “Mục lục”, danh mục các
bảng biểu, các chữ viết tắt
Mục lục của
công trình khoa học là trang tiếp ngay sau lời cam đoan, trong đó ghi rõ tên
các chương, mục với vị trí trang tương ứng, giúp người đọc có thể xem nhanh những
nội dung chính của công trình và mở đọc những mục mà mình quan tâm. Không nên
ghi mục lục quá chi tiết, chiếm nhiều trang (Phụ lục 8).
Nếu trong
công trình khoa học có sử dụng các kí hiệu, viết tắt, có các bảng biểu, hình vẽ,
biểu đồ thì tác giả cần lập “Danh mục các kí hiệu, chữ viết tắt”, “Danh mục các
bảng” và “Danh mục các hình vẽ, biểu đồ” đặt theo thứ tự trên và trong các
trang liền sau mục lục.
4. Viết phần “Mở đầu”
Qua khảo sát các luận án tiến sĩ và
luận văn thạc sĩ cho thấy, phần mở đầu thường có các mục cơ bản như sau: 1/ Lí
do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu; 2/ Tổng quan tình hình nghiên cứu (Lịch
sử nghiên cứu vấn đề); 3/ Đối tượng và phạm vi nghiên cứu; 4/ Mục tiêu và nhiệm
vụ nghiên cứu; 5/ Nguồn tài liệu và Phương pháp nghiên cứu; 6/ Những đóp góp mới
của luận án (hoặc luận văn); 7/ Bố cục của luận án (hoặc luận văn). Dưới đây là
cách viết các mục của phần mở đầu:
Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu:
Viết lí do chọn đề tài nghĩa là phải
trả lời câu hỏi: Tại sao lại chọn đề tài này để nghiên cứu?. Hay nói cách khác,
khi viết phần lí do chọn đề tài, người nghiên cứu cần phải chứng minh được rằng
mình chọn đề tài này là vì nó có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có tính cấp thiết,
phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện và mục đích của mình; cụ thể là:
Đề tài có ý nghĩa khoa học: người nghiên cứu phải chỉ ra được rằng kết quả của đề tài
phải có đóng góp về mặt khoa học, chẳng hạn như: phát hiện ra quy luật mới, quy
trình dạy học mới, chứng minh bác bỏ những lí luận sai lầm trong những kết quả
nghiên cứu đã có của các nhà nghiên cứu trước đó…
Đề tài phải có tính thực tiễn: người nghiên cứu phải chứng tỏ rằng kết quả của đề tài sẽ
góp phần cụ thể vào việc phục vụ cho thực tiễn của cuộc sống, của xã hội…, chẳng
hạn như phục vụ đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phục vụ
công tác giáo dục truyền thống lịch sử, phục vụ công tác chính trị, văn hóa –
tư tưởng hay cũng có thể là giúp hiểu sâu về một vấn đề khoa học nào đó, phục vụ
cho công nghề nghiệp.
Đề tài có tính cấp thiết: đề tài cần phải được nghiên cứu ngay để phục vụ nhu cầu phát
triển kinh tế - xã hội, khoa học kĩ thuật…
Viết phần mục đích nghiên cứu, người
viết phải trả lời câu hỏi: Nghiên cứu đề tài này để làm gì?. Thông thường, mục
đích nghiên cứu của đề tài là nhằm giải quyết vấn đề khoa học được đặt ra của đề
tài và để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính bức thiết của đề tài nghiên cứu.
Tổng quan tình hình nghiên cứu (lịch sử nghiên cứu vấn đề): Để viết mục
này, người nghiên cứu cần trả lời câu hỏi: Đề tài này đã được các nhà khoa học trong
và ngoài nước nghiên cứu đến đâu?; Những vấn đề nào còn tồn tại cần được tiếp tục
nghiên cứu?.
Một công trình nghiên cứu sẽ không có
giá trị khoa học nếu kết quả thu được trùng lặp với những kết quả đã được công
bố trước đó. Chính vì vậy, người nghiên cứu cần phân tích, đánh giá các công
trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan đến đề
tài; chỉ ra được những vấn đề đã được giải quyết, xác định những vấn đề còn tồn
tại chưa được nghiên cứu hoặc đã được nghiên cứu, nhưng có thể nghiên cứu dưới
góc độ tiếp cận khác, bằng phương pháp khác…, từ đó xác định những vấn đề cần tập
trung nghiên cứu, giải quyết, tránh sự trùng lặp kết quả của các nhà nghiên cứu
đi trước.
Hiện nay, quy chế đào tạo Tiến sĩ của
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nghiên cứu sinh phải nghiên cứu chuyên đề “Tổng
quan tình hình nghiên cứu” và sau đó viết thành một chương (Chương 1) của luận
án. Cấu trúc của chương tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài được cấu trúc
theo nhiều dạng khác nhau: phân theo xuất xứ của các đề tài nghiên cứu (trong
nước, ngoài nước), phân theo mức độ liên quan đến đề tài nghiên cứu (trực tiếp,
gián tiếp) hoặc cũng có thể phân theo từng vấn đề cụ thể của để tài.
Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu: Để viết mục tiêu nghiên cứu của đề tài, người nghiên cứu sẽ
phải trả lời câu hỏi “Làm để đạt được những kết quả gì ?” hay “Sản phẩm nghiên
cứu của đề tài là gì ?”. Hay nói cách khác, mục tiêu của đề tài là cái đích nội
dung cần đạt đến của quá trình nghiên cứu. Cụ thể hơn, đó chính là sản phẩm cần
đạt được của quá trình nghiên cứu do người nghiên cứu đề ra để định hướng, vạch
kế hoạch nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu và làm căn cứ đánh giá kết quả đề tài.
Tác giả phải làm những công việc gì để đạt được những mục tiêu đã đề ra?
Trả lời câu hỏi này nghĩa là nhà nghiên cứu đã xác định được nhiệm vụ nghiên cứu. Có thể hiểu nhiệm
vụ nghiên cứu chính là công việc mà nhà nghiên cứu phải làm để đạt được mục
tiêu đề ra. Và để xác định nhiệm vụ nghiên cứu, chúng ta phải dựa vào mục tiêu
nghiên cứu.
Lưu ý: nhiệm vụ của đề tài phải bám sát mục
tiêu của đề tài. Tránh trường hợp mục tiêu một đường, nhiệm vụ một nẻo; nhiệm vụ
đặt ra quá lớn hoặc quá nhỏ so với mục tiêu đã đề ra.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là cái mà nhà nghiên cứu cần tác động
vào để đi đến sản phẩm, mục đích cần đạt được của hoạt động nghiên cứu. Khi viết
đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu cần trả lời câu hỏi nghiên cứu cái
gì?, nghĩa là phải xác định những vấn đề cần làm rõ.
Phạm vi nghiên cứu là phần giới hạn về
không gian, thời gian và quy mô của của đối tượng nghiên cứu. Xác định phạm vi
nghiên cứu nghĩa là phải chỉ rõ giới hạn về không gian, thời gian và quy mô của
vấn đề nghiên cứu.
Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu: Mỗi khoa học đều có phương pháp
nghiên cứu riêng biệt, tùy theo đối tượng của từng ngành và từng đề tài nghiên
cứu. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu cần xác định các
phương pháp nghiên cứu phù hợp với đề tài. Nếu nhà nghiên cứu xác định phương
pháp nghiên cứu không phù hợp với đối tượng nghiên cứu thì chắc chắn công việc
nghiên cứu sẽ khó có thể thành công một cách tốt nhất.
Những đóp góp mới của đề tài: Tác giả của đề tài cần nói rõ quá trình nghiên cứu của mình
đã thu được những kết quả mới gì về lí luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu.
Khi viết phần này, tác giả cần so sánh kết quả nghiên cứu đạt được với lịch sử
nghiên cứu vấn đề để thấy rõ những đóng góp mới của đề tài nghiên cứu.
Bố cục của đề tài: chỉ ghi tên của các chương, không lặp lại kết cấu như ở phần mục lục. Trong
một số trường hợp, tác giả trình bày tóm tắt ngắn gọn về nội dung của các
chương.
5. Viết nội dung chính của công
trình khoa học
Thông thường, nội dung chính của một
công trình khoa học được kết cấu ít nhất hai chương với số trang của các chương
không quá chênh lệch nhau để đảm bảo tính cân đối của công trình.
Nội dung của các chương cần có các
tiêu đề của chương (tên chương), các mục, tiểu mục đầy đủ, rõ ràng (tránh sử dụng
các dấu ký hiệu: #, *, -, + ….). Về khối lượng, Bộ Giáo dục và Đào
tạo quy định: “luận án tiến sĩ có khối lượng không quá 150 trang A4, không kể
phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện
luận của riêng nghiên cứu sinh”[5].
Số chương nhiều hay ít
tùy thuộc vào nội dung cụ thể của đề tài.
6. Viết “Kết luận”
Phần kết luận của công trình khoa học
gồm một số trang đặt ngay sau chương cuối cùng. Nội dung của kết luận phải tổng
hợp được tất cả các kết luận rút ra được từ việc nghiên cứu đề tài, không nên
trích dẫn và kèm thêm bất kỳ lời bình luận nào. Nếu có những giải pháp, khuyến
nghị, dự báo xu hướng phát triển và cả những tồn tại mà tác giả chưa giải quyết
được thì cũng đưa vào phần kết luận. Đây là kết quả nghiên cứu đề tài. Do vậy, tác giả phải dành nhiều thì
giờ, suy nghĩ nghiêm túc để viết chính xác và cụ thể phần kết luận này.
Lưu ý: Cần phân biệt
kết luận với tóm tắt và không nên nói lời cảm ơn hoặc nêu lên hạn
chế của bản thân tác giả… vào kết luận.
7. Trình bày mục “Tài liệu tham
khảo”
Tài liệu tham khảo bao gồm tất cả các
tác phẩm kinh điển, giáo trình, sách tham khảo, luật lệ, nghị quyết, thông tư,
báo cáo, các bài báo … bằng các ngôn ngữ khác nhau được tác giả tham khảo khi
nghiên cứu và trích dẫn trong công trình. Cách viết và sắp xếp tài liệu tham khảo
phải theo đúng quy định (quy định này được nêu rõ trong một mục riêng).
8. Phụ lục
Phụ lục là những bảng, biểu, sơ đồ,
hình vẽ, bảng hỏi điều tra, khảo sát… có tác dụng chứng minh, minh họa cho các
nội dung chính, được đưa vào phần cuối và không tính vào số trang nội dung của công
trình, nhưng phải đánh số trang.
Nếu công trình khoa học có sử dụng những
câu trả lời cho một bảng hỏi thì mẫu này cần được đưa vào phần phụ lục ở dạng
nguyên bản đã dùng để điều tra, thăm dò ý kiến; không được tóm tắt hoặc sửa đổi.
Phụ lục không nên dày hơn phần chính của công trình khoa học.
Nếu có nhiều phụ lục thì tác giả cần
đánh số thứ tự của phụ lục bằng số La mã hoặc số Ả rập: Phụ lục I, Phụ lục II,
hoặc Phụ lục 1, Phụ lục 2…. Trong trường hợp có nhiều phụ lục, tác giả có thể lập
danh mục các phụ lục đặt ở trang trước của các phụ lục để người đọc tiện theo
dõi.
[1] Quy định về trang bìa và phụ bìa nêu trên được quy định rõ trong
bản “Hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được áp
dụng phổ biến trong các cơ sở đào tạo sau đại học trên cả nước và đã trở thành
chuẩn chung được nhiều người sử dụng. Do đó, theo chúng tôi, có thể áp dụng các
mẫu này cho cả luận văn thạc sĩ.
[2] Lê Thùy Linh (2013), Dạy học
Giáo dục học ở đại học sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện, Luận
án tiến sĩ giáo dục học, Đại học Thái Nguyên.
[3] Phạm Phúc Vĩnh (2010), Quan
hệ Việt Nam – Trung Quốc từ 1986 đến 2006, Luận án tiến sĩ lịch sử, Trường
Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
[4] Ngô Chơn Tuệ (2014), Cuộc
đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống âm mưu chia cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của
thực dân Pháp giai đoạn 1945 – 1949, Luận án tiến sĩ lịch sử, Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
[5] Thông tư số
05/2012/TT-BGDĐT, ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc
sửa đổi bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.