1. Phương pháp lịch sử
Mọi
sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội đều có quá trình lịch sử của nó, tức là có quá trình phát
sinh, phát triển và tiêu vong. Đó là một quá trình vận động và biến đổi liên tục,
hết sức cụ thể, đầy quanh co, phức tạp, bao gồm cả những cái ngẫu nhiên lẫn cái
tất yếu,
muôn hình, muôn vẻ, trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau và theo một trật
tự thời gian nhất định.
Phương pháp lịch sử là phương
pháp tái hiện trung thực bức tranh quá khứ của sự vật, hiện tượng theo đúng trình
tự thời gian và không gian như nó đã từng diễn ra (quá trình ra đời, phát triển,
tiêu vong).
Nhiệm vụ của phương pháp lịch sử là thông qua các nguồn tư liệu để nghiên cứu và phục dựng đầy đủ các điều
kiện hình thành, quá trình ra đời, phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến
phức tạp của các sự kiện, hiện tượng, đồng thời đặt quá trình phát triển
đó trong mối quan hệ tác động qua lại với các nhân tố liên quan khác trong suốt
quá trình vận động của chúng, từ đó có thể dựng lại bức tranh chân thực của sự vật, hiện tượng như đã xảy ra.
Ví dụ như khi nghiên cứu về phong trào Cần
Vương, bằng phương pháp pháp lịch sử, nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm nguồn tư liệu một
cách chính xác và đầy đủ nhất có thể để mô tả quá trình hình thành mâu thuẫn, chuẩn
bị lực lượng, bùng nổ và đến lúc thất bại hoàn toàn với đầy đủ các chi tiết cụ
thể và phức tạp, gồm cả những sự kiện tất nhiên lẫn ngẫu nhiên, theo đúng thứ tự
thời gian như nó đã từng diễn ra.
Một
số nguyên tắc cơ bản của phương pháp lịch sử:
Thứ nhất, tính biên niên:
nhà nghiên cứu phải trình bày quá trình hình thành và phát triển của sự vật, hiện
tượng theo đúng trình tự của nó như đã diễn ra trong thực tế để thấy được
tính liên tục trong quá trình vận động, phát triển của nó.
Thứ hai, tính toàn diện:
khi phục dựng quá khứ, nhà nghiên cứu phải khôi phục đầy đủ tất cả các mặt, các yếu
tố và các bước phát triển của sự vật, hiện tượng, tránh tình trạng qua
loa, đơn giản thậm chí cắt xén thông tin. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tránh tình
trạng liệt kê, chất đống tư liệu, phải biết lựa chọn các tư liệu tiêu biểu, điển
hình về các sự vật, hiện tượng cần nghiên cứu.
Thứ ba, tính chi tiết: người nghiên cứu phải bám sát và phản ánh chi tiết quá trình vận động và phát
triển của sự vật, hiện tượng, kể cả các bước phát triển quanh co, thụt lùi tạm thời của nó để đảm bảo tính trung thực và phản ánh đúng tiến trình vận động của sự vật, hiện tượng.
Thứ tư, tính cụ thể: các
sự vật, hiện tượng tồn tại luôn gắn liền với không gian, thời
gian và con người cụ thể. Do đó, người nghiên cứu cần chú ý nêu rõ địa điểm, thời
gian xảy ra của sự vật, hiện tượng.
2. Phương pháp logic
Trong nghiên cứu khoa học, việc
sử dụng phương pháp lịch sử chỉ giúp người nghiên cứu dừng lại ở việc phục dựng quá
khứ của các sự vật, hiện tượng. Để tìm ra bản chất, quy luật vận động và
phát triển của chúng, người nghiên cứu cần kết hợp vận dụng phương pháp logic và một
số phương pháp khác.
Lịch sử phát sinh, phát triển và tiêu
vong của sự vật, hiện tượng luôn quanh co, phức tạp, bao gồm cả những yếu tố tất
nhiên lẫn ngẫu nhiên. Sự đa dạng, quanh co phức tạp đó đã làm cho bản chất, quy
luật tất yếu của sự vật, hiện tượng bị “che khuất”. Việc loại bỏ đi những
yếu tố ngẫu nhiên, không cơ bản để thấy được những cái tất yếu, cơ bản và những
cái được lặp đi lặp lại,… từ đó làm bộc lộ bản chất, quy luật phát triển khách
quan của sự vật, hiện tượng là mục tiêu quan trọng của công tác nghiên cứu[2].
Phương
pháp logic
là phương pháp nghiên cứu tổng quát các sự kiện, hiện tượng lịch sử, loại bỏ
các yếu tố ngẫu nhiên, không cơ bản để làm bộc lộ bản chất, tính tất yếu và quy
luật vận động và phát triển khách quan của sự kiện, hiện tượng lịch sử đang “ẩn
mình” trong các yếu tố tất nhiên lẫn ngẫu nhiên phức tạp ấy[3].
Nhiệm vụ của phương pháp logic là: “đi
sâu tìm hiểu cái bản chất, cái phổ biến, cái lặp lại của các hiện tượng”; … “nắm lấy cái tất yếu, cái xương sống phát triển, tức nắm lấy quy luật
của nó (sự vật, hiện tượng - TG)”; “nắm lấy những nhân vật, sự kiện, giai đoạn điển hình và
nắm qua những phạm trù, quy luật nhất định”[4], từ đó giúp nhà nghiên cứu thấy được những
bài học và xu hướng phát triển của sự vật, hiện tượng.
Một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp logic:
Thứ nhất, tránh máy móc và định kiến, áp đặt: sự vật hiện tượng vận động theo quy luật của nó, chính vì vậy, khi sử dụng phương pháp logic để
phát hiện ra quy luật vận động và phát triển của sự vật hiện tượng, đòi hỏi nhà khoa học phải
đi tìm quy luật từ chính quá trình vận động phát triển phức tạp của
chúng. Có như vậy, người nghiên cứu mới phát hiện được cả những quy luật phổ biến lẫn
đặc thù (riêng), sự phong phú, đa dạng và phát triển đi lên của các sự vật, hiện tượng.
Cần tránh
tình trạng áp đặt những định kiến, những quy luật chung có sẵn để làm
khuôn mẫu cho việc nhận thức, đánh giá về những đặc điểm, quy luật của các sự
kiện hiện tượng khác nhau.
Thứ hai, không
tách rời khỏi lịch sử: việc nghiên cứu để tìm ra cái phổ biến, bản chất,
quy luật… của sự vật, hiện tượng phải được tiến hành trên cơ sở khái quát hóa và rút ra từ
hiện thực. Nghĩa là phải sử dụng
phương pháp logic gắn liền với phương pháp lịch sử, nếu tách rời phương pháp lịch
sử thì nhà khoa học sẽ rơi vào tình trạng suy luận trừu tượng thiếu cơ sở, nhận
xét chung chung, thậm chí kết luận sai lầm. Đồng thời cũng tránh trường
hợp chỉ dựa vào vài dữ kiện ít ỏi để khái quát hóa thành quy luật, bản chất của
sự vật, hiện tượng.
3. Mối quan hệ giữa phương pháp lịch sử và phương pháp logic
Phương
pháp lịch sử và phương pháp logic là hai phương pháp khác nhau, nhưng có quan hệ
chặt chẽ với nhau trong quá trình nghiên cứu khoa học. Giải thích tính
thống nhất giữa hai phương pháp, Ăng-ghen viết:
Về bản chất, phương pháp logic không phải
là cái gì khác là phương pháp lịch sử, chỉ có điều là nó thoát khỏi những hình
thức lịch sử và những ngẫu nhiên pha trộn.
Lịch sử bắt đầu từ đâu, quá trình tư duy
cũng phải bắt đầu từ đó. Và sự vận động tiếp tục thêm nữa của nó chẳng qua chỉ
là sự phản ánh quá trình lịch sử dưới một hình thức trìu tượng và nhất quán về
mặt lý luận. Nó là phản ánh đã được uốn nắn lại, nhưng uốn nắn theo những quy
luật mà bản thân quá trình lịch sử thực tế đã cung cấp, hơn nữa có thể xem xét
mỗi một nhân tố ở cái điểm phát triển mà ở đó quá trình đạt tới chỗ hoàn toàn
thành thục và đạt đến hình thức điển hình[5].
Hai phương pháp này giúp nhà khoa học mô tả
lịch sử của các sự vật, hiện tượng, từ đó đi đến vạch ra bản chất, quy luật phát triển của chúng. Nếu phương pháp lịch sử có nhiệm vụ khôi phục bức tranh quá
khứ sinh động và phong phú của hiện thực thì phương pháp logic sẽ có
nhiệm vụ đi tìm cái logic, cái tất yếu bên trong “bức tranh quá khứ” đó để vạch
ra bản chất, quy luật vận động, phát triển khách quan của hiện thực.
[1] Văn Tạo (1995), Phương pháp
lịch sử và Phương pháp logic, Viện Sử học xuất bản, Hà Nội, tr. 38.
[2] Theo Văn Tạo: “Phương pháp
logic khác phương pháp lịch sử ở chỗ nó không nhằm diễn lại toàn bộ tiến trình
của lịch sử, mà là nhằm nghiên cứu các hiện tượng lịch sử trong hình thức tổng
quát nhằm nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử, nghiên cứu các hiện tượng
lịch sử trong hình thức tổng quát, nhằm mục đích vạch ra bản chất, quy luật,
khuynh hướng chung trong sự vận động của chúng”[Văn Tạo (1995), Sđd, tr. 41].
[3] GS.TS. Phan Ngọc Liên định nghĩa: “Phương pháp logic là phương
pháp nghiên cứu các hiện tượng trong hình thức tổng quát, nhằm vạch ra bản
chất, quy luật, khuynh hướng trong sự vận động của cái khách quan được nhận
thức này”[Phan Ngọc Liên (CB) (2011), Sđd,
tr. 140].
[4] Văn Tạo (1995), Phương pháp
lịch sử và Phương pháp logic, Viện Sử học xuất bản, Hà Nội, tr. 41-42.
[5] Dẫn theo: Phan Ngọc Liên (CB) (2011), Phương pháp luận sử học, Nxb ĐHSP, Hà Nội, tr. 140.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.