Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

TRÍCH DẪN VÀ CHÚ THÍCH TRONG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

1. Ý nghĩa của việc trích dẫn khoa học

Việc sưu tầm tài liệu và sử dụng chúng trong quá trình biên khảo, nghiên cứu một đề tài khoa học là công việc rất bình thường của nhà khoa học. Tuy nhiên, để tránh rơi vào lỗi đạo văn, khi sử dụng kết quả nghiên cứu, những ý tưởng, luận điểm hoặc quan điểm khoa học,… từ các công trình khoa học của tác giả khác hoặc của chính bản thân mình đã được công bố trước đó để làm luận cứ cho việc chứng minh một luận điểm mới hoặc để phân tích những điểm yếu, thậm chí bác bỏ khi phát hiện những sai lầm của các công trình nghiên cứu trước đó, người nghiên cứu phải có trách nhiệm ghi xuất xứ của tài liệu đã trích dẫn một cách rõ ràng. Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết[1].

Cụ thể, những trường hợp cần ghi trích dẫn bao gồm:

Trích dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây.

Khi đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của một người khác làm nền tảng cho công trình của mình. Thông thường những phát biểu mang tính ngoại lệ, có thể gây ngạc nhiên.

Những phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác[2].

Theo quy chế đào tạo tiến sĩ, “luận án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng”[3]. Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục Tài liệu tham khảo của công trình nghiên cứu.

Theo Vũ Cao Đàm, việc trích dẫn khoa học có các ý nghĩa sau:

Thứ nhất, việc viết đầy đủ, rõ ràng xuất xứ của trích dẫn khoa học là sự thể hiện tính chuẩn xác, trung thực của người trích dẫn. Nó giúp người đọc dễ dàng tra cứu lại các nguồn tài liệu gốc, các công bố khoa học mà tác giả đã trích dẫn.

Thứ hai, với một trích dẫn khoa học ghi rõ ràng, đầy đủ thông tin nguồn trích dẫn thì người đọc (đồng nghiệp) biết rõ về nguồn gốc của những luận điểm, nhận định được trích dẫn.

Thứ ba, viết đúng trích dẫn khoa học là sự thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền tác giả. Nếu không ghi trích dẫn đầy đủ hoặc ghi sai, người làm khoa học hoàn toàn có thể bị tác giả nguồn trích dẫn kiện và bị xử lý theo quy định của pháp luật quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, việc viết đầy đủ, chính xác các nguồn trích dẫn khoa học là thể hiện sự tôn trọng, trung thực những cam kết về chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học[4].

Việc ghi rõ trích dẫn khoa học thể hiện tính chuẩn xác, khoa học của công trình nghiên cứu, sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học của người nghiên cứu và đồng thời còn thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền tác giả và buộc người đã nêu ra những luận điểm khoa học được trích dẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung trong các công bố khoa học của mình, “những nghiên cứu khoa học dẫn nguồn càng chi tiết, càng tỉ mỉ càng chứng tỏ sự ngay thẳng, trung thực của người làm công tác nghiên cứu. Đó cũng là thái độ thể hiện sự trân trọng thành quả mà những người đi trước đã tạo dựng nên”[5]. Nhiều người không ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trích dẫn trong nghiên cứu khoa học, nên đã cẩu thả hoặc vô ý bỏ qua việc trích dẫn, nhưng cũng có người biết rõ và cố tình vi phạm vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, người nghiên cứu dù vô tình hay cố ý dẫn đến việc không trích dẫn nghiêm túc đều bị coi là đạo văn.

2. Các hình thức trích dẫn phổ biến

Trích dẫn trực tiếp: là trích dẫn nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn, hình ảnh, sơ đồ, quy trình,… của bản gốc vào bài viết. Trích dẫn nguyên văn phải bảo đảm đúng chính xác từng câu, từng chữ, từng dấu câu được sử dụng trong bản gốc được trích dẫn, phần trích dẫn được đặt trong ngoặc kép.

Trích dẫn gián tiếp hay trích dẫn diễn giải: là sử dụng ý tưởng, kết quả, hoặc ý của một vấn đề để diễn tả lại theo cách viết của mình nhưng phải đảm bảo đúng nội dung của bản gốc. Khi trích dẫn theo cách này cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thành với nội dung của bài gốc.

Trích dẫn thứ cấp: là khi người viết không có điều kiện tiếp cận được tác phẩm gốc mà phải trích dẫn thông qua tác phẩm khác. Khi trích dẫn theo cách này phải nêu rõ cách trích dẫn này dưới dạng “trích theo”, “dẫn lại”,… và không liệt kê tài liệu trích dẫn của tác giả của tác phẩm gốc trong danh mục tài liệu tham khảo. Một tài liệu có yêu cầu khoa học càng cao thì càng hạn chế trích dẫn thứ cấp mà phải tiếp cận càng nhiều tài liệu gốc càng tốt.

Hiện nay, có nhiều cách lập trích dẫn và danh mục tài liệu tham khảo khác nhau đang được áp dụng, trong đó sử dụng phổ biến là: Kiểu trích dẫn theo chuẩn APA (American Psychological Association) đối với nhóm ngành Khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn; kiểu trích dẫn theo chuẩn IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) và kiểu trích dẫn trong luận văn, luận án theo quy định năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chú thích trong công trình khoa học

Chú thích trong các công trình khoa học hay còn được gọi là cước chú, hậu chú, đó là phần giải thích, phụ chú, dẫn chứng, đánh giá hay lời nhận định được trình bày ở cuối mỗi trang hoặc cuối bài nghiên cứu, luận văn, luận án và sách. Phần chú thích đi kèm phần chính văn, có tác dụng thuyết minh, thuyết giải, bổ sung, mở rộng thêm thông tin giúp làm rõ hơn nội dung trong chính văn, giúp người đọc dễ hiểu hơn nhưng vẫn đảm bảo tính mạch lạc, ngắn gọn của chính văn. Nếu chú thích được đặt ở cuối trang thì gọi là “cước chú” (footnotes) và đặt ở cuối nội dung chính của bài báo, chương hoặc cuối sách thì gọi là “hậu chú” (endnotes).

Trong Lôgích học & phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Lê Tử Thành quan niệm: “Theo từ nguyên, cước là chân, chú là chép nghĩa cho rõ ràng. Cước chú (foot notes, notes aubas de la page) là những giải thích, dẫn chứng ghi ở cuối mỗi trang, cuối mỗi chương hay cuối cả phần chính của công trình nghiên cứu, để giúp người đọc biết rõ xuất xứ một đoạn văn, một ý kiến, một tin tức hoặc để giải thích một chữ, một ý… được dùng trong bài”[6].

Theo Bùi Trọng Ngoãn:

“Chú thích” là lời ghi thêm, bổ sung thông tin cho phần chính văn. Thông tin đó có thể là một lời diễn giải hay một chỉ dẫn nào đó của người viết nhằm thuyết minh thêm cho nội dung đang trình bày.

Về mặt nội dung thể hiện, chú thích có các dạng: diễn giải làm rõ hơn nội dung cần thông tin; biện luận kiến giải về vấn đề, chứng minh thêm cho vấn đề đang nói, nêu nguồn tư liệu được kê cứu, xuất xứ nguồn dẫn, nêu chỉ dẫn của người viết… Nói chung, chú thích có chức năng bổ sung thông tin mà phần chính văn chưa thể xử lí hết[7].

Những nội dung chú thích thường thấy trong các công trình khoa học gồm có: chú thích có tính chất bổ sung thông tin liên quan đến đối tượng được đề cập đến trong chính văn, giải thích từ ngữ, bình luận, cung cấp thêm minh chứng, chỉ dẫn người đọc tham khảo thêm thông tin từ các nguồn khác.

Ví dụ 1: Khi trình bày về việc ra đời của Đảng Thanh niên, tác giả chú thích  nhằm bổ sung thêm thông tin về tên gọi của Đảng này: “Việc thành lập Đảng Thanh niên[8] diễn ra một cách bộc phát, gần như không có quá trình chuẩn bị. Chính vì vậy, bộ máy tổ chức của Đảng, chủ trương chính trị, điều lệ, nguyên tắc hoạt động, kết nạp đảng viên,… khá tùy tiện, thiếu chặt chẽ”[9].

Ví dụ 2: khi trích dẫn Đại Việt sử kí toàn thư, tác giả dùng chú thích để giải thích khái niệm “tứ phối” trong đoạn trích nhằm giúp người đọc hiểu được khái niệm này khi đọc trong chính văn:

Đến thời Lý, Nho giáo bắt đầu được chú trng hơn, Đại Vit s ký toàn thư cho biết: Văn Miếu ở Việt Nam được xây dựng ở Kinh đô Thăng Long từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa Thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối[12], vẽ tranh thất thập nhị hiền, bốn mùa thờ cúng”[13].

Qua một số ví dụ trên cho thấy, việc chú thích trong công trình khoa học là việc làm cần thiết, giúp người viết trình bày vấn đề khoa học trong chính văn một cách cô đọng, ngắn gọn nhất nhưng người đọc vẫn dễ dàng nắm bắt được chính xác về đối tượng nghiên cứu được đề cập đến trong công trình khoa học.

Để các chú thích phát huy hết giá trị đối với người đọc, người viết phải chọn lọc thông tin, chú thích phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và vừa đủ để giúp người đọc nắm vững vấn đề đang trình bày. Các khái niệm, thuật ngữ hoặc thông tin có tính chất phổ thông hoặc không liên quan nhiều đến nội dung đang trình bày thì không cần chú thích, tránh lạm dụng chú thích để khoe hiểu biết của người viết làm cho công trình khoa học trở nên nặng nề, rườm ra không cần thiết.

(Nguồn: Giáo trình PPNCKHLS, NXB ĐHQG)


[1] Theo Nguyễn Văn Tuấn (2011), kiến thức thông thường là thông tin được tìm thấy trong nhiều nơi và nhiều người biết đến.

[2] Nguyễn Văn Tuấn. (2011). Đi vào nghiên cứu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn. tr.176.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT, ngày 07/5/2009). Hà Nội.

[4] Vũ Cao Đàm. (2012). Bài giảng môn học Phương pháp nghiên cứu khoa học. Hà Nội: Tài liệu lưu hành nội bộ. tr. 41.

[5] Nguyễn Thị Nga - Hoàng Thu Trang. (2019). Thực hiện liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp. Nguồn: https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/thuc-hien-liem-chinh-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-tai-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-125597.

[6] Lê Tử Thành. (1991). Lôgích học & phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ. tr.101-102.

[7] Bùi Trọng Ngoãn. (2016). Khái niệm chú thích và cách chú thích trong các công trình khoa học xã hội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Số 10(107)/2016. tr. 1-6.

[8] Về tên của Đảng Thanh niên, Trần Huy Liệu cho biết là lúc thống nhất lập đảng thì gọi là Đảng Thanh niên, Trên Đông Pháp thời báo và nhiều tài liệu cũng ghi là Đảng Thanh niên, nhưng trong đám tang cụ Phan Châu Trinh thì ghi là Đảng Thanh niên Việt Nam và nhiều tài liệu ghi tên tiếng Pháp của Đảng là “Party Jeune Annam”.

[9] Phạm Phúc Vĩnh. (2021). Bối cảnh ra đời và hoạt động của Đảng Thanh Niên ở Nam Kỳ (1926-1927). Tạp chí  khoa học Đại học Sài Gòn, Số 76 (4/2021). tr. 52.

[10] Trong hồi kí, Trần Huy Liệu cho biết, trong nhiều buổi gặp mặt quần chúng do Đảng Lập hiến tổ chức, Bùi Quang Chiêu chạm trán với nhóm lãnh đạo của Đảng Thanh niên và bị chất vấn về việc Nguyễn An Ninh bị bắt giam ở Khám Lớn, Bùi Quang Chiêu chỉ trả lời buông xuôi là: Việc của ông Ninh là một việc chính trị, sao can thiệp được.

[11] Phạm Phúc Vĩnh. (2021). Bối cảnh ra đời và hoạt động của Đảng Thanh Niên ở Nam Kỳ (1926-1927). Tạp chí  khoa học Đại học Sài Gòn, Số 76 (4/2021). tr. 54.

[12] Tứ phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử.

[13] Ngô Sĩ Liên. (1993). Đại việt sử kí toàn thư, Tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội. tr.275.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.