Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

THIẾT KẾ BẢNG HỎI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

THIẾT KẾ BẢNG HỎI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

Đào Thị Oanh - Viện Nghiên cứu Sư phạm

1.Đặt vấn đề
Trong lĩnh vực khoa học giáo dục (KHGD) , các phương pháp sử dụng tùy thuộc vào loại hình nghiên cứu tương ứng được triển khai. Có hai nhóm phương pháp nghiên cứu cụ thể gồm: Nhóm phương pháp nghiên cứu định lượng và nhóm phương pháp nghiên cứu định tính. Tương ứng với chúng là hai loại hình nghiên cứu: Định lượng và định tính. Trong KHGD các vấn đề định tính là chủ yếu. Tuy nhiên, những vấn đề có thể định lượng được sẽ giúp cho việc định tính trở nên cụ thể, chính xác hơn vì có thể làm rõ được tính điển hình của hiện tượng nghiên cứu. Trong giáo dục có những đặc điểm nghiên cứu chỉ có thể định lượng được một cách quy ước và còn nhiều đặc điểm nghiên cứu chưa thể định lượng được. Song, nếu muốn rút ra ứng dụng thực tiễn lớn hơn thì cần cố gắng để định lượng. Tuy vậy, để lượng hóa một cái gì đó, các nhà nghiên cứu thường phải đương đầu với không ít khó khăn. Nghiên cứu KHGD có những đặc điểm chung của nghiên cứu khoa học với tư cách là một hoạt động sáng tạo, đề xuất ra những cái mới và hướng tới phát hiện chân lí, vì vậy có những yêu cầu chặt chẽ đối với người nghiên cứu. Đó là yêu cầu về tính khách quan, chính xác trong nghiên cứu, thể hiện ở sự trung thànhvới hiện thực khách quan trong khi phát hiện được cái mới mà không sửa chữa thêm bớt nó theo ý muốn chủ quan của người nghiên cứu hoặc của một ai khác. Đối tượng nghiên cứu của KHGD là các hiện tượng, các quá trình rất phức tạp, luôn luôn biến động do ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, do đó sẽ có hàng loạt yếu tố cần được kiểm soát trong quá trình triển khai nghiên cứu. Yêu cầu khách quan, chính xác trước hết đòi hỏi việc lựa chọn phương pháp, biện pháp, công cụ, kĩ thuật nghiên cứu sao chocàng ít phải chịu ảnh hưởng từ chủ quan của người nghiên cứu hoặccủa những người trung gian thì càng tốt, càng đáng tin cậy. Điều này liên quan trước hết đến khái niệm đo lường.
2. Đo lường
     Đo lường trong KHGD là sử dụng những thủ pháp hay kĩ thuật nghiên cứunhằm  lượng hóa sự vật, hiện tượng cần đánh giá (ví dụ, đo lường sự hiểu biết, kĩ năng, cấu trúc, thuộc tính, phẩm chất…). Đo lường có thể là định tính/đo lường chất lượng (“phạm trù hóa” thuộc tính, hiện tượng theo bản chất/tiêu chí), hoặc định lượng/đo lường số lượng (sử dụng các con số để lượng hóa các thuộc tính, hiện tượng giáo dục).
     Trong nghiên cứu định lượng, để có thể sử dụng công cụ toán học nhằm xử lí số liệu thu được, trước hết phải giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản về đo lường hay lượng hóa các đặc trưng của các đối tượng nghiên cứu. Việc đánh giá định lượng liên quan chặt chẽ với khái niệm “Đo lường”. Đó là phép so sánh một đại lượng nào đó với một vật chuẩn đã biết, và kết quả là đưa ra các con số để đánh giá. Như vậy, “Đo lường” là gán cho các đối tượng và các thuộc tính cần đo của nó những con số theo những nguyên tắc xác định. Những nguyên tắc này quy định sự phù hợp giữa một số đặc điểm của các con số với một số đặc điểm cần đo của đối tượng. Tùy theo mức độ mà sự phù hợp được xác định, có thể có các phép đo lường sau đây ứng với các loại thang đo.
     * Thang đo định danh (Nominal Scale) là một kiểu đánh giá sự vật hiện tượng hay đặc tính theo tên gọi hay danh hiệu/nhãn hiệu/phạm trù. Ví dụ, khi muốn phân loại con người theo giới tính (nam, nữ), theo học lực (kém, yếu, trung bình, khá, giỏi), theo nhóm tuổi (mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT…) hoặc khi muốn phân loại đồ vật theo mầu sắc (đỏ, xanh, tím…) thì người ta sử dụng thang định danh.
     - Phép đo định danh (Nominal - hay định loại) là tách ra một dấu hiệu nào đó của đặc điểm được nghiên cứu và đánh dấu mỗi khi gặp dấu hiệu ấy (trong quan sát hoặc trong thực nghiệm). Tổng hợp (đếm) các số ghi được sẽ có một biểu hiện đặc trưng của đối tượng hay hiện tượng nghiên cứu (ví dụ, có thể đánh giá khả năng viết đúng các từ của học sinh bằng cách ghi số lỗi mà học sinh mắc phải trong một bài chính tả). Phép đo định danh là phép đo có tính khái quát, không nhằm cung cấp những thông tin chính xác về sự khác biệt cá nhân, mà chỉ nhằm đánh giá sự có mặt hay vắng mặt của sự vật hiện tượng hoặc bản chất của thuộc tính. Các con số trong thang định danh chỉ đơn thuần là con số mã hóa biểu thị phạm trù (ví dụ, nam = 1, nữ = 2 hay thành thị = 1, nông thôn = 2), không nói lên thứ bậc, mức độ, khối lượng của thuộc tính cần đánh giá. Các biến giới tính, dân tộc, khu vực, thành phần,…là các phép đo định danh.
     * Thang định hạng (Ordinal Scale) là một kiểu đánh giá phân loại sự vật, hiện tượng, thuộc tính theo thứ bậc, trật tự. Ví dụ, khi muốn phân loại năng lực học tập của một nhóm học sinh theo thứ hạng (xếp loại điểm tổng kết môn học từ cao nhất đến thấp nhât) hoặc muốn phân loại đồ vật theo trọng lượng, kích cỡ (từ nặng nhất/to nhất đến nhẹ nhất/bé nhất) thì sử dụng thang định hạng. Thang định hạng là phép đo có tính khái quát, không nhằm cung cấp thông tin chính xác về mức độ khác biệt giữa các cá nhân, chỉ nhằm chỉ ra vị trí của từng cá nhân trong mối tương quan với các cá nhân khác, hoặc vị trí của một sự vật, hiện tượng trong mối tương quan thứ bậc với các sự vật, hiện tượng khác. Các con số trong phép đo định hạng đơn thuần biểu thị thứ hạng theo một kiểu sắp xếp nào đó (ví dụ, từ HS có điểm tổng kết môn Văn cao nhất đến HS có điểm thấp nhất). Các con số đó không nói lên mức độ khác biệt, chất lượng cụ thể của thuộc tính cần đánh giá (ví dụ, khi tuyển sinh).
     - Phép đo định hạng (Ordinal) là xếp các hiện tượng, các đối tượng của đặc điểm được nghiên cứu thành một dãy theo thứ tự giảm dần hoặc tăng dần, và sau đó gán cho mỗi đối tượng một con số, mà con số đó chỉ rõ vị trí của đối tượng trong dãy số đó. Con số này được gọi là hạng của đối tượng (ví dụ, xếp hạng của học sinh một lớp – “nhất”, “nhì”, “ba”…dựa theo kết quả học tập về một môn học).
* Thang định khoảng (Interval Scale) là một kiểu đánh giá phân loại sự vật, hiện tượng, thuộc tính theo những đơn vị phân loại bằng nhau ở bất kì khoảng nào trên thang đo (thước mét). Sự khác nhau theo những khoảng cách bằng nhau trên thang đo là ngầm chỉ sự khác nhau ở những đặc điểm hay thuộc tính được đo (ví dụ, điểm số ở môn Toán của học sinh A và học sinh B là 8đ và 6đ được ngầm hiểu là năng lực Toán của học sinh A hơn học sinh B một khoảng tương đương 2 điểm). Hiện nay, hầu hết các thang đo hành vi, tâm lí hay giáo dục được xem như thang đo khoảng mặc dù vẫn có những tranh luận cho rằng cần xếp chúng vào thang đo định hạng.    
     - Phép đo định khoảng (Interval – đo chính xác) là so sánh đặc điểm nghiên cứu với các đơn vị đo lường chuẩn. Ví dụ, sự khác biệt giữa người cao 160cm-170cm và người cao 155cm-165cm đều ở cùng một khoảng như nhau là 10cm…
* Thang định tỉ lệ (Ratio Scale) là một thang đo khoảng nhưng có điểm 0 tuyệt đối. Một điểm 0 thực sự chỉ ra rằng tại đó thiếu vắng đặc tính được đo (ví dụ, đồng hồ chỉ vận tốc). Sự có mặt của điểm 0 giúp thiết lập được tỉ lệ giữa các điểm số thu được, ví dụ, có thể xác định chính xác vận tốc 10km/h là lớn gấp 2 lần 5km/h. Thang tỉ lệ ít khi được dùng trong các thang đo hành vi hay trong các phép đo tâm thần vì không thể xác định được điểm 0 thực sự cho hầu hết các đặc tính tâm lí. Nếu một người có điểm 0 ở một trắc nghiệm trí tuệ nào đó thì nên hiểu rằng người đó đạt điểm 0 ở trắc nghiệm đó chứ không phải đặc tính được đo bằng 0 điểm. Đó là điểm 0 tự đặt ra, võ đoán. Ứng với thang tỉ lệ là phép đo tỉ lệ. 
     - Phép đo định tỉ lệ (tỉ số). Phép đo tỉ lệ ít được dùng trong nghiên cứu KHGD.
3.Nguyên tắc thiết kế công cụ đo lường trong nghiên cứu khoa học giáo dục
     Dù với bất cứ công cụ đo lường nào, đơn giản hay phức tạp, đều phải tuân thủ một số nguyên tắc chung. Một công cụ đo lường tốt phải được thiết kế một cách khoa học, theo đúng quy trình và các nguyên tắc thiết kế, đồng thời phải được đánh giá qua thực tế, kiểm nghiệm bằng thống kê toán học để khẳng định tính khách quan, chính xác, lợi ích của nó. Các nguyên tắc đó là:
     - Xác định rõ mục đích đo lường của công cụ (Đo cái gì?);
     - Xác định rõ đối tượng trả lời/cung cấp thông tin (Dành cho ai? Là cá nhân hay nhóm?);
     - Xác định rõ nội dung đo lường và định chuẩn cho từng nội dung cụ thể  (Miền đo nào?);
     - Xác định kiểu cho điểm;
     - Chuẩn hóa thủ tục hướng dẫn.
4. Quy trình chung trong thiết kế công cụ đo lường đối với nghiên cứu khoa học giáo dục
Trong mỗi công trình nghiên cứu về khoa học giáo dục thường có các giai đoạn triển khai cụ thể dưới đây:
     Giai đoạn 1: Xác định ý tưởng nghiên cứu
     Giai đoạn 2: Xác định tên đề tài nghiên cứu
     Giai đoạn 3: Xây dựng đề cương nghiên cứu
     Giai đoạn 4: Xây dựng công cụ nghiên cứu
     Giai đoạn 5: Thử công cụ nghiên cứu
     Giai đoạn 6: Thu thập số liệu
     Giai đoạn 7: Làm sạch, xử lí và phân tích số liệu
     Giai đoạn 8: Viết báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu
     Việc thiết kế công cụ đo lường bao gồm các giai đoạn 4 và 5. Người nghiên cứu cần có công cụ tốt trước khi đi thu thập số liệu và công cụ đó phải giúp họ thu được thông tin để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu đặt ra. Vì thế, đây là bước rất quan trọng bởi nếu không có công cụ tốt thì việc thu thập và phân tích số liệu sẽ trở thành vô ích.
Trong thiết kế công cụ đo lường cần thực hiện nghiêm túc các bước sau:
a/ Xác định khái niệm (Khái niệm hóa) là quá trình cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng (liên quan đến câu hỏi nghiên cứu hay mục tiêu nghiên cứu) thành các khái niệm định danh, có nội dung, phạm vi nghiên cứu cụ thể. Có 3 kiểu định nghĩa khái niệm: Định nghĩa “thực” (khái quát bản chất), định nghĩa “định danh” (định nghĩa “để làm việc”), định nghĩa “thao tác” (mô tả).
b/Thao tác hóa khái niệm là sự mở rộng, cụ thể hóa hơn nữa quá trình khái niệm hóa. Đó thực chất là quá trình phát triển những thủ tục nghiên cứu cụ thể, chuyển những khái niệm đã được định nghĩa thành những cấu trúc với những tiêu chí, hoạt động cụ thể để có thể đo lường được như sau:
     - Xác định các biến cần tìm. Định nghĩa các biến đó;
     - Xác định rõ các miền đo, các cấu trúc đo lường cụ thể;
     - Xác định những cấu trúc trọng tâm;
     - Xác định các tiêu chí, chỉ số, chỉ báo;
     - Xác định những biểu hiện cụ thể của các chỉ số;
     - Phác thảo các item (câu hỏi, nhận định, tình huống…).
c/ Hiệu lực hóa item, cụ thể như sau:
     - Đánh giá bản chất, nội dung từng item;
     - Đánh giá hình thức item;
     - Đánh giá độ phù hợp của item;
     - Đánh giá số lượng item phù hợp.
4. Thiết kế bảng hỏi - công cụ phổ biến nhất để thu thập số liệu cho nghiên cứu định lượng trong khoa học giáo dục
Bảng hỏi là một công cụ đo lường bao gồm một loạt các câu hỏi khách quan (item) hoặc chủ quan (câu hỏi mở), như: Câu hỏi dạng đúng/sai;Câu hỏi nhiều lựa chọn;Câu hỏi điền thế;Câu hỏi trả lời ngắn;Câu hỏi đánh giá thứ bậc;Câu hỏi ma trận;Câu hỏi tự luận…Các công cụ đo lường kiểu này thường kết hợp các kiểu item khác nhau trong cùng một thang đo, thậm chí trong cùng một miền đo.
Bảng hỏi được thiết kế tốt sẽ khuyến khích người trả lời cung cấp những thông tin đầy đủ và chính xác. Có 4 bước lớn trong việc thiết kế bảng hỏi, là: Lập bảng chi tiết; Viết câu hỏi; Chỉnh sửa để in ấn; Thử bảng hỏi.
4.1. Bước 1 - Lập bảng chi tiết, hỏi cụ thể:
     - Xác định các mục tiêu mà bảng hỏi hướng đến;
     - Cụ thể hóa các mục tiêu;
     - Xác định đối tượng điều tra;
     - Xác định các phương pháp thu thập thông tin;
     - Thiết lập mối liên hệ giữa câu hỏi nghiên cứu, các thông tin cần thiết, nguồn cung cấp thông tin và phương pháp thu thập số liệu;
     - Quyết định xem làm thế nào để đo từng biến;
     - Lập bảng chi tiết, hỏi cụ thể.
a/ Xác định mục đích của bảng hỏi:
     Xác định mục đích chính, hay, câu hỏi nghiên cứu của đề tài nghiên cứu là gì? Có một vài câu hỏi chính như: Bảng hỏi để tìm kiếm điều gì? Những loại thông tin nào cần cho nghiên cứu này?Các câu hỏi nghiên cứu cụ thể là gì?Có những giả thuyết nghiên cứu nào?
Ví dụ, phân tích đề tài “Ảnh hưởng của gia đình đến việc bỏ học của học sinh THCS nông thôn Việt Nam”
Câu hỏi nghiên cứu có thể gồm:
     - Các yếu tố giới, đặc điểm gia đình, thái độ đối với học tập và kết quả học tập tác động với nhau như thế nào đến việc bỏ học?
     - Từng yếu tố - giới, đặc điểm gia đình, thái độ đối với học tập và kết quả học tập có ảnh hưởng ở mức độ nào đến việc bỏ học?
     - Yếu tố nào tác động  mạnh nhất?
b/ Quá trình cụ thể hóa bắt đầu từ các thông tin chung cần thiết, gồm:
     - Đặc điểm gia đình
     - Thái độ
     - Kết quả
     - Giới
     Các biến trên còn quá chung chung. Cần phải cụ thể hóa chúng thành những biến có thể đo đạc được. Mỗi câu hỏi phải cụ thể để câu trả lời có thể mã hóa được. chẳng hạn,
     -Thái độ đối với học tập:
•         Thái độ của học sinh đối với học tập
•         Thái độ của cha mẹ đối với học tập
     -Kết quả:
•         Kết quả học tập
•         Kết quả đạo đức
     -Các đặc điểm gia đình:
•         Dân tộc
•         Vị trí xã hội
•         Thu nhập của gia đình
•          Số con trong gia đình
•          Việc bỏ học của anh chị em ruột
 Như vậy tới đây câu hỏi nghiên cứu đã cụ thể hơn:Các yếu tố giới, dân tộc, thu nhập, kích cỡ gia đình, số lượng anh chị em bỏ học, thái độ của học sinh và cha mẹ với học tập và kết quả học tập và đạo đức có tương tác với nhau như thế nào trong việc ảnh hưởng đến việc bỏ học của học sinh THCS ở vùng nông thôn Việt Nam?
c/Xác định đối tượng cung cấp thông tin, theo đó cần xác định xem:
     - Ai sẽ là người thích hợp cung cấp những thông tin cần thiết?
     - Các đặc điểm của nhóm đối tượng trả lời phiếu?
Ví dụ, nếu muốn hỏi về trình độ học vấn của cha mẹ, thì đôi khi có thể hỏi trực tiếp học sinh hay giáo viên chủ nhiệm. Nhưng, đối với học sinh tiểu học thì có thể các em không biết. Vì thế, việc điều tra thử sẽ giúp chúng ta biết rõ nên hỏi ai.
d/Xác định phương pháp thu thập thông tin, theo đó phải làm rõ: Liệu có đúng là phải dùng bảng hỏi hay không bởi đôi khi thông tin mà chúng ta cần có thể đã có sẵn trong các điều tra khác, vì vậy cần phải quyết định xem nên dựa vào những nguồn thông tin đã có nào.
e/ Lập bảng liên kết giữa thông tin cần có, nguồn thông tin và phương pháp thu thập số liệu.Bảng này giúp định hướng xem có thể có baonhiêu câu hỏi cần thiết phải đặt ra.
Thông tin cần thiết/biến cần đo
Nguồn thông tin
PP thu thập số liệu







Từ bảng trên có thể xác định các bảng hỏi cần thiết kế, gồm:
     - Bảng hỏi dành cho học sinh đang đi học
     - Bảng hỏi dành cho học sinh đã bỏ học
     - Bảng hỏi dành cho cha mẹhọc sinh
f/ Xác định cách thức đo từng biến
 Cần phải xem xét xem biến đo là biến đơn hay biến ẩn, tức là cần xác định:
     - Biến đó đo một tiêu chí hay nhiều tiêu chí?
     - Đo tiêu chí đó như thế nào?
     Biến đơn là biến đo một tiêu chí, có thể quan sát, đo đạc trực tiếp (giới, trình độ học vấn của cha mẹ...), còn biến ẩn là biến không thể quan sát hay đo đạc trực tiếp mà phải được đo đạc gián tiếp thông các biến có liên quan có thể quan sát được, gián tiếp thông qua các chỉ số - là các biến quan sát được.
      Tiếp theo cần lập bảng, chỉ rõ làm thế nào để đo từng chỉ số của mỗi biến ẩn. Cụ thể có:
-Các chỉ số đo đạc thu nhập của gia đình
     -Các chỉ số đo đạc vị thế xã hội của gia đình
g/ Lập bảng chi tiết, bao gồm: tất cả các biến, các chỉ số, các phương pháp đo đạc và các thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi nghiên cứu.
    Có những biến đơn (giới), nhưng cũng có những biến ẩn cần nhiều chỉ số để đo. Bảng này như là một sự định hướng giúp cho người nghiên cứu hiểu và tự tin về khung lí thuyết của mình.
4.2. Bước 2 – Viết câu hỏi:
a/ Xây dựng các tiêu chí. Trước hết phải xác định những vấn đề cần quan tâm đối với mỗi tiêu chí. Cụ thể là:
     - Thông tin nào cần phải có?
     - Thông tin là các sự việc/sự kiện hay không phải là sự việc/sự kiện?
     - Hỏi như thế nào?
     - Loại hình trả lời nào là cần thiết? Người được hỏi cần trả lời như thế nào? (cấu trúc của câu hỏi)
     - Từng tiêu chí sẽ được mã hóa như thế nào?
     - Có thể đưa cả mã hóa vào bảng hỏi được không?
b/ Các loại hình câu hỏi
     Có hai cách phân loại câu hỏi, là: Phân loại theo cấu trúc phương án trả lời đưa ra và phân loại theo loại hình thông tin.
     *Đối với cách phân loạitheo cấu trúc phương án trả lời đưa ra, có hai loại câu hỏi là:
     - Câu hỏi mởlà dạng câu hỏi để cho người trả lời được tự do đưa ra ý kiến của mình. Trong một bảng hỏi có thể bao gồm cả câu hỏi đóng và câu hỏi mở (ví dụ, “Hãy cho biết lí do vì sao em bỏ học?”,“Hãy nêu những nguyên nhân gây cản trở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của anh/chị?”).
Trong nghiên cứu, câu hỏi mở có những lợi thế sau đây:Người được hỏi có thể diễn đạt chính xác những quan điểm hay cảm nghĩ của mình;Không hạn chế các phương án trả lời;Rất hữu ích trong việc kiểm tra giả thuyết về những ý tưởng hay nhận thức.
 Tuy nhiên, câu hỏi mở cũng có những bất lợi như:Khó trả lời và tốn nhiều thời gian để trả lời;Khó phân tích và tốn nhiều thời gian để phân tích.
     -Câu hỏi đóng là dạng câu hỏi có đưa ra các phương án trả lời sẵn để người được hỏi lựa chọn, hoặc câu hỏi dưới dạng Có/Không…Nhóm câu hỏi đóng gồm có các loại hình sau đây:Bảng kiểm; Câu hỏi hai lựa chọn; Câu hỏi nhiều lựa chọn; Thang đo/Thang xếp loại.
     Bảng kiểm thường đượcsử dụng để kiểm tra xem có hay không có một  cái gì đó? Ví dụ: “Anh/Chị đã sử dụng những loại tài liệu tham khảo nào sau đây?” (liệt kê các tài liệu tham khảo); Hay, “Em đã tham gia những hoạt động nào sau đây?” (liệt kê các hoạt động). Một bảng kiểm tốtcần phải chứa đựng tất cả các lựa chọn phù hợp;Sẽ tốt hơn khi cung cấp lựa chọn “Cái khác” để người được hỏi có thể bổ sung thêm ở phía cuối bảng kiểm.
 Câu hỏi hai lựa chọn thường được sử dụng để đo sự khác nhau hoàn toàn (đối lập) của các biến. Trong câu hỏi hai lựa chọn, người trả lời được yêu cầu lựa chọn một trong hai phương án đối lập nhau như: Có/không; Đồng ý/không đồng ý; Ủng hộ/phản đối; Xấu/tốt; Thích/không thích; ….
Câu hỏi nhiều lựa chọn là dạng câu hỏi đưa ra tất cả các phương án trả lời có thể có để người được hỏi lựa chọn.
Thang đo thứ bậc là một dạng câu hỏi được cấu trúc, theo đó, cấu trúc này cho chúng ta thấy người được hỏi xếp thứ bậc như thế nào?Nó sẽ tốt khi có số lượng hạn chế các biến muốn được xếp loại. (Ví dụ: Hãy sắp xếp những thứ cần thay đổi trong nhà trường được nêu ra ở đây theo thứ tự ưu tiên ?).
     Những ưu thế của câu hỏi đóng:So với câu hỏi mở, loại hình này dễ trả lời và trả lời nhanh hơn; Có thể hỏi nhiều câu hỏi trong một khoảng thời gian nhất đinh;Có thể hỏi nhiều người;Giá thành thấp hơn;So sánh nhóm dễ hơn;Thời gian dành cho tập huấn cán bộ điều tra ít hơn. Bên cạnh đó, những bất lợi của câu hỏi đóng, là:Có thể thiếu các phương án trả lời khác;Có thể có yếu tố chủ quan của nhà nghiên cứu khi bắt người được hỏi chỉ được lựa chọn các phương án sẵn có đưa ra;Có thể có những người trả lời chọn bừa cho xong;Khó thiết kế. 
     *Phân loại theo loại hình thông tin cung cấp, có 2 dạng câu hỏi chủ yếu, là:Hỏi về sự việc/sự kiện;Hỏi về thái độ, niềm tin, nhận thức.
Thông thường, phần lớn các bảng hỏi đều kết hợp cả hai loại câu hỏi về sự kiện/sự việc và câu hỏi liên quan đến thái độ, nhận thức, niềm tin. Câu hỏi về sự kiện/sự việc cung cấp thông tin có thể kiểm tra, xác minh; là biến đơn; dễ thiết kế. Trong khi đó câu hỏi không về sự vật, sự kiện thường cung cấp loại thông tin khó xác minh/kiểm tra; là biến ẩn;Khó thiết kế.
     Khi thiết kế câu hỏi về sự việc/sự kiện, cần lưu ý xem liệu người được hỏi có đủ thông tin để trả lời câu hỏi hay không (ví dụ, kiến thức, trí nhớ) và liệu người được hỏi có muốn trả lời hay không (ví dụ, các vấn đề nhạy cảm). Muốn thế, có một số vấn đề phải quan tâm:
     -Dùng câu chữ khi đặt câu hỏi:Sử dụng các từ ngữ đơn giản, trực tiếp; Tránh dùng những nhóm từ viết tắt (UNESCO), chữ viết tắt (PHHS), biệt ngữ (từ khó hiểu);Tránh dùng những từ tối nghĩa hoặc có nhiều nghĩa; Tránh dùng câu hỏi có tính định hướng; Tránh dùng những câu hỏi có nhiều ý; Tránh những giả định ngấm ngầm; Không được bắt người trả lời phải nhớ quá nhiều;Tránh dùng các mệnh đề hay câu nói đã quen thuộc;Những câu hỏi về thái độ sẽ tốt nếu người được hỏi nhận thấy là câu hỏi bắt mình phải suy nghĩ.
     -Khi lựa chọn loại hình câu hỏi cần lưu ý đến:Số lượng người được hỏi;Số lượng và loại hình thông tin cần thu thập;Những đặc trưng của người được hỏi (Trình độ, tuổi, văn hóa, tín ngưỡng); Số lượng thời gian cần cho việc xử lí và phân tích số liệu;Hiểu biết của người nghiên cứu về các vấn đề muốn hỏi (khả năng dự đoán các phương án trả lời có thể có ở mức độ nào);Phương pháp phân tích số liệu.
c/ Cấu trúc bảng hỏi bao gồm cảPhần Chỉ dẫn(Chỉ dẫn chung;Chỉ dẫn từng phần;Chỉ dẫn ở từng câu hỏi).
d/ Một số lưu ý khi xây dựng bảng hỏi:
- Nên bắt đầu với câu hỏi dễ và ít nhạy cảm;
- Không nên bắt đầu bằng câu hỏi mở;
- Nên sắp xếp các câu hỏi từ chung nhất đến cụ thể;
- Nên nhóm các câu hỏi theo từng chủ đề hay tiểu mục;
- Nên làm bảng hỏi càng ngắn càng tốt.
4.3. Bước 3 – Chỉnh sửa bảng hỏi
     Tùy theo loại bảng hỏi được thiết kế mà có cách thức chỉnh sửa khác nhau. Thông thường hiện nay, đối với các bảng hỏi với câu hỏi đóng khách quan, ví dụ, các thang đo năng lực hoặc hành vi có cấu trúc/chuẩn hóa, khi tiến hành chỉnh sửa nhà nghiên cứu có thể sử dụng các phần mềm thống kê thông dụng để đánh giá độ tin cậy và độ hiệu lực của thang đo nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt kĩ thuật.
     Đối với các loại bảng hỏi có câu hỏi mở, có thể sử dụng phương pháp chuyên gia và chỉnh sửa theo góp ý của chuyên gia về nội dung hoặc hình thức diễn đạt, cách trình bày, liều lượng các câu hỏi…
4.4. Bước 4 – Thử bảng hỏi
     Sau khi chỉnh sửa, bảng hỏi cần được đưa ra làm thử nghiệm trên nhóm mẫu nhỏ khách thể mà nó định đo nhằm mục đích đánh giá sự phù hợp với đối tượng nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau:Về cả hình thức lẫn nội dung cũng như thời gian thực hiện. Sau lần thử đầu tiên trên mẫu nhỏ khách thể, cần phải thử tiếp trên mẫu lớn hơn để khẳng định tính khách quan của bảng hỏi. Trong trường hợp của thang đo chuẩn hóa cần có sự tính toán lại các chỉ số kĩ thuật để đảm bảo là khách quan, tin cậy.
5. Kết luận
     Công cụ điều tra quyết định chất lượng cuộc nghiên cứu. Một bảng hỏi tốt phải đảm bảo các đặc tính thiết kế tốt (xác định rõ đo cái gì? Dùng cho đối tượng nào?...) và có đặc tính đo lường tốt (độ tin cậy, độ hiệu lực). Cụ thể là:
     - Công cụ phải được thiết kế trên cơ sở xác định rõ mô hình lí thuyết về cái định đo (về bản chất các khái niệm chỉ đối tượng nghiên cứu sẽ được đo lường);
     - Cấu trúc phép đo phải phù hợp với mô hình lí thuyết định hướng về cái định đo (ví dụ, nhận thức, thái độ, hành vi);
     - Việc thiết kế công cụ phải tuân thủ theo các bước: Xác định khái niệm, xác định cấu trúc phép đo, xác định các miền đo, thang bậc, chỉ số, biểu hiện cụ thể, mức độ đánh giá, viết item, hiệu lực hóa item;
     - Công cụ đo phải đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm nhóm mẫu nghiên cứu, đồng thời hiện thực hóa được yêu cầu giáo dục, xã hội thể hiện trong nội dung đo;
     - Công cụ phải được đo thử trên mẫu khách thể để phát hiện lỗi thiết kế và kiểm định các đặc tính đo lường;
     - Công cụ phải có phần hướng dẫn sử dụng.

Tài liệu tham khảo:
1/ võ Duy Tần, Lê Văn Trọng, 2012, Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu khoa học giáo dục, NXB Đại học Huế.
2/ Nghuyễn Kim Dung, 2013, Đánh giá công tác nghiên cứu khoa học giáo dục tại các trường đại học sư phạm Việt Nam, tạp chí Khoa học ĐHSP TP HCM, số 50.
3/ Nguyễn Công Khanh, 2012, Phương pháp thiết kế công cụ đo lường và đánh giá trong giáo dục. Tài liệu lưu hành nội bộ, ĐHSP Hà Nội.

Nguồn: http://vncsp.hnue.edu.vn/ban-tron-giao-duc/article/184.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.