Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

NHỮNG HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Đạo văn (plagiarism)

a) Định nghĩa đạo văn

Đạo văn (plariagism) là một hình thức gian lận khoa học khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến nạn đạo văn (tranh chấp bản quyền tác giả, sao chép luận văn, luận án và công trình khoa học,…) ở Việt Nam bị phát hiện và công bố trên các phương tiện truyền thông[1]. Vậy thế nào là đạo văn?.

Theo Nguyễn Văn Tuấn, đạo văn (plariagism) là:

Sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của mình. Ở đây, “ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ và lấy những thông tin chuyên ngành mà không để rõ nguồn gốc[2].

Ngoài ra, một hình thức nữa cũng được xem là đạo văn, đó là “lấy ý tưởng của người khác nhưng viết lại câu văn mà không ghi nguồn; mua luận văn, luận án từ chợ luận văn, luận án trên Internet”[3].

Theo quy định của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đạo văn “là việc sử dụng các câu văn, đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh, video, ý tưởng, từ công trình nghiên cứu của người khác đưa vào công trình nghiên cứu của mình mà không chỉ dẫn, chỉ dẫn không chính xác nguồn tác phẩm được trích dẫn, hoặc có ghi trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn nhưng không tuân thủ đúng quy định”[4].

Bên cạnh hiện tượng đạo văn, các nhà khoa học còn chỉ ra một hình thức gian lận khoa học khác đó chính là tự đạo văn, nghĩa là “tác giả công bố một bài báo khoa học như là một công trình nghiên mới, nhưng thật chất là “xào nấu” dữ liệu của nghiên cứu cũ mà mình đã công bố trước đây”[5].

b) Các hình thức của đạo văn

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh quy định về các hình thức cảu đạo văn như sau:

- Sử dụng đoạn văn, thông tin, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phầm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn, hoặc có chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm nhưng không đúng quy định trong quy định này.

- Sử dụng một phần hoặc toàn bộ công trình nghiên cứu của người khác để hình thành công trình nghiên cứu của mình với chỉ số trùng lặp hỗn hợp trên 20% (bao gồm cả trường hợp thực hiện đúng quy định về trích dẫn). Quy định này không áp dụng đối 5 với các trường hợp cần phải trích dẫn các đối tượng nghiên cứu để binh luận, phân tích, minh họa cho tác phẩm.

- Diễn giải, hoặc tóm tắt đoạn văn, nội dung trong công trình nghiên cứu của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn được sử dụng.

- Tự đạo văn là việc sử dụng những sản phẩm học thuật của mình đã công bố để tạo thành công trình nghiên cứu mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả, trong đó chỉ số trùng lặp hỗn hợp khi kiểm tra bằng phần mềm trên 25%.

- Chiếm đoạt công trình nghiên cứu của người khác và trình bày như công trình nghiên cứu của mình a) Lấy toàn bộ tác phẩm của người khác và công bố là tác phẩm của mình, bao gồm cả các trường hợp thuê viết hoặc nhờ người viết hộ; b) Dịch hoặc diễn đạt toàn bộ hoặc một phần một công trình nghiên cứu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để tạo thành công trình nghiên cứu của mình với tỷ lệ được quy định[6].

Trong Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định các hình thức đạo văn như sau:

- Sử dụng đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn đầy đủ nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn.

- Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn.

- Không dẫn nguồn nội dung của tác giả đã trích khi thay đổi, di chuyển từ ngữ, câu, đoạn, ý tưởng của người khác; gắn từ ngữ, câu, đoạn của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết; thay đổi từ ngữ, cụm từ câu nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài viết.

- Diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình hoặc tóm tắt nội dung các tác phẩm của người khác mà không dẫn nguồn tác phẩm được sử dụng.

- Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm trên 25% nội dung tác phẩm, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn.

- Chiếm đoạt tác phẩm của người khác và trình bày như tác phẩm của mình: a) Sao chép tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình, bao gồm cả các trường hợp thuê hoặc nhờ người khác viết hộ. b) Dịch hoặc diễn đạt toàn bộ hoặc một phần tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để tạo thành tác phẩm của mình mà không chỉ rõ nguồn thông tin về tác phẩm.

- Sử dụng những tác phẩm của mình đã công bố để tạo thành trên 30% dung lượng tác phẩm mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả là hình thức tự đạo văn[7].

c) Các quy định xử lí vi phạm đạo văn

Trong nghiên cứu khoa học, lỗi đạo văn được xem lỗi vi phạm về đạo đức của nhà khoa học, đồng thời hành vi này còn vi phạm luật về sở hữu trí tuệ. Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam như Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều có quy định về trích dẫn và chế tài xử phạt hành vi đạo văn của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, cụ thể như sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ”[8].

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quy định: “Nếu tiểu luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh bị phát hiện đạo văn, tùy thời điểm bị phát hiện, mức độ vi phạm sẽ bị xử lí từ hình thức bắt chỉnh sửa lại mới cho bảo vệ (phát hiện trước khi bảo vệ), đình chỉ bảo vệ, buộc phải chỉnh sửa lại (phát hiện trong khi bảo vệ) và hủy kết quả (phát hiện sau khi bảo vệ, chưa được cấp bằng) và thu hồi văn bằng đã cấp (phát hiện sau khi bảo vệ, đã được cấp bằng)”[9].

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ tính chất, mức độ đạo văn, hậu quả của hành vi vi phạm, tác giả sản phẩm học thuật có thể bị xử lý theo các hình thức sau đây: “Yêu cầu chỉnh sửa; Không được bảo vệ, nghiệm thu;  Thu hồi sản phẩm học thuật nếu đã công bố; Đình chỉ học tập có thời hạn; Buộc thôi học; Thu hồi văn bằng. Các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”[10].

Khi công trình khoa học bị phát hiện đạo văn (dù cố tình hay vô ý), các cơ quan quản lí, các cơ sở đào tạo sẽ có những biện pháp xử lí thích đáng và đặc biệt nghiêm trọng hơn là tác giả sẽ bị cộng đồng khoa học và xã hội lên án, tẩy chay. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cần chú ý đến việc ghi rõ nguồn trích dẫn để tránh lỗi đạo văn khi thực hiện đề tài.

2. Ngụy tạo dữ liệu (data fabrication)

Cùng với đạo văn (plagiarism), ngụy tạo dữ liệu (data fabrication) hay còn gọi “bịa đặt” là những hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học nghiêm trọng, nó đi ngược lại với sự trung thực, ngay thẳng trong nghiên cứu khoa học. Trong những hành vi này thì ngụy tạo dữ liệu thường gây hậu quả lớn hơn rất nhiều so với đạo văn.

Ngụy tạo dữ liệu hay “bịa đặt ” trong nghiên cứu khoa học được xem là hành vi “làm giả, bóp méo hoặc bịa ra bất kỳ thông tin hoặc trích dẫn nào trong nghiên cứu khoa học để phục vụ cho mục đích hay ý muốn chủ quan nào đó của người nghiên cứu”[11].

Quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Hoa Sen xác định: “Bịa đặt” trong nghiên cứu khoa học nằm trong định nghĩa chung về “bịa đặt” trong học thuật, đó là: “hành vi cố ý làm sai lệch hoặc bịa ra bất kỳ thông tin hay trích dẫn nào trong bất kỳ hoạt động học thuật nào”, bao gồm ít nhất các biểu hiện cụ thể, như “sử dụng thông tin bịa đặt trong thí nghiệm, nghiên cứu, báo cáo thực tập hay các hoạt động học thuật khác; trích dẫn không đúng người sử dụng (ví dụ, trích dẫn thông tin từ một bài điểm sách nhưng trình bày như thể là thông tin lấy từ sách gốc)”[12].

Những nghiên cứu khoa học dựa trên những thông tin bị “làm giả, bóp méo” không dựa trên cơ sở sự thật sẽ vô cùng nguy hiểm khi nó cung cấp cho xã cái nhìn không đúng đắn về một vấn đề khoa học, nhất là khi sự bịa đặt này lại phục vụ cho mục đích xấu của bản thân người nghiên cứu. Điều nguy hiểm là rất nhiều trong các con số mà tác giả lấy cắp có thể bị chỉnh sửa một cách tùy tiện, và nếu áp dụng kết quả nghiên cứu bịa đặt này vào thực tiễn thì nhiều nguy cơ sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường...

Trong khi đạo văn chủ yếu ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân nhà khoa học đó thì việc ngụy tạo dữ liệu không chỉ dẫn tới kết luận sai cho chính nghiên cứu đó mà nó có thể được trích dẫn, tạo ra hiệu ứng ảnh hưởng tới các nghiên cứu sau đó hoặc thậm chí là đưa ra khuyến nghị và hành động chính sách sai. Đặc biệt, đối với những nghiên cứu được kết luận dựa trên điều tra xã hội học làm cơ sở để hoạch định các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nếu xuất hiện yếu tố làm giả, hoặc bóp méo số liệu điều tra, từ đó đưa ra những kết luận sai lệch so với thực tế sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước sẽ khó có thể đi vào cuộc sống và được người dân đón nhận bởi nó không xuất phát từ thực tiễn và không phù hợp với thực tiễn...

Hành vi bịa đặt trong học thuật có thể là người học (học sinh, sinh viên, học viên) và cả người làm công tác nghiên cứu. Trên thực tế, hành vi này đã từng được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu có uy tín, ví dụ như vụ bịa đặt trong nghiên cứu tế bào gốc của một nhà khoa học nổi tiếng Hàn Quốc là tiến sĩ Hwang Woosuk vào năm 2005[13].

Như vậy, có thể thấy, những biểu hiện vi phạm tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học, như “đạo văn”, “bịa đặt” gây ra những hậu quả rất lớn đối với việc phát triển nghiên cứu khoa học, cản trở khoa học phát triển, đi ngược lại mục đích của khoa học. Việc “đạo văn”, “bịa đặt” khiến phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ quẩn quanh tìm mọi cách biến công trình nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu của người khác thành của mình thay vì tập trung tìm những hướng đi mới, những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học. Đảm bảo sự liêm chính và trung thực trong nghiên cứu là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và nâng cao uy tín khoa học của nước nhà.
(Trích từ: Giáo trình PPNCKHLS, NXB ĐHQG TP.HCM, 2023).


[1] Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ kết quả chấm luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ số 00443/71KH2 của học viên NTMT, chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh, khóa 2002-2005. Vào năm 2006, học viên NTMT bảo vệ luận văn thạc sĩ, sau đó được cấp bằng thạc sĩ số 00443/71KH2. Khi tham khảo luận văn của Nguyễn Thị Minh Tâm lưu trữ tại thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, một cá nhân phát hiện luận văn này phần lớn được sao chép từ luận văn của một người đã bảo vệ thành công trước đó, liền báo cho lãnh đạo nhà trường. Trường đã lập hội đồng thẩm định và kết luận học viên NTMT đã có hành vi sao chép luận văn, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh [Báo Người Lao động, Thứ Ba, 23/08/2011].

[2] Nguyễn Văn Tuấn. (2011). Đi vào nghiên cứu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn. tr. 111.

[3] Báo Sinh viên Việt Nam, ngày 15/06/2012.

[4] Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. (2021). Quy định trích dẫn và kiểm tra đạo văn đối với các sản phẩm học thuật tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. tr.1-2.

[5] Nguyễn Văn Tuấn. (2011). Đi vào nghiên cứu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn. tr. 111.

[6] Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. (2021). Tlđd. tr.4-5.

[7] Quyết định số 02/QĐ-XHNV-TTPC-SHTT ngày 19 tháng 01 năm 2018 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[8] Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT, ngày 07/5/2009). Hà Nội.

[9] Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. (2013). Quy định hình thức xử lí đạo văn (Công văn số 3151/QyĐ-ĐHKT-VSĐH, ngày 31/10/2013 của Trưởng Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh). Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 1-2.

[10] Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. (2021). Tlđd. tr.5-6.

[11]  Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thu Trang.  (2019). Thực hiện liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp. nguồn: https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/thuc-hien-liem-chinh-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-tai-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-125597.

[12] Trường Đại học Hoa Sen. (2013). Quy định về liêm chính học thuật (Ban hành theo Quyết định số 1741/QĐ-BGH, ngày 28-10-2013, của Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen). nguồn: http://www.sinhvien.hoasen.edu.vn/sites/default/files/2013/10/user30/quyet_dinh_1741_ban_hanh _quy_dinh ve_liem_chinh_hoc_thuat.pdf .

[13] Giáo sư Hàn Quốc giả nghiên cứu tế bào gốc. Tienphong Online, ngày 17/12/2005. Nguồn:  https://www.tienphong.vn/cong-nghe-khoa-hoc/giao-su-han-quocnbspgia-nghien-cuu-te-bao-goc-32138.tpo. truy cập ngày 3/12/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.