SỔ TAY NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN
Tri thức là sức mạnh!
Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025
Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024
CÁCH LẬP TRÍCH DẪN VÀ DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO THEO CHUẨN APA[1]
Trích dẫn theo chuẩn APA
(American Psychological Association) là kiểu trích dẫn ra đời năm 1929 bởi một
nhóm các nhà tâm lý học, nhân chủng học và quản lý kinh doanh, kiểu trích dẫn
này nhấn mạnh vào tên tác giả và thời gian công bố của công trình khoa học, ví
dụ như (Nguyễn Văn A, 1998). Đồng thời, thông tin đầy đủ của tài liệu tham khảo
sẽ được nêu trong Danh mục tài liệu tham khảo ở cuối công trình khoa học.
Cách trích dẫn và lập danh
mục tài liệu tham khảo theo chuẩn APA hiện nay được áp dụng khá phổ biến trong
lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Nhiều trường đại học ở Việt
Nam hiện nay đang dựa theo quy tắc và hướng dẫn trích dẫn của APA để xây dựng
quy định về lập trích dẫn và danh mục tài liệu tham khảo trong khóa luận, luận
văn, luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các trường đang áp dụng quy tắc này gồm có: Trường Đại học Sài Gòn, Trường
ĐH KHXH&NV – ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố
Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính Maketing,…
3.4.1.1. Cách ghi trích dẫn theo chuẩn APA
Đối với trường hợp trích dẫn nguyên văn
Nếu trích dẫn trực tiếp từ
một tác phẩm, nội dung được trích dẫn ngắn thì đặt trong dấu “”, cuối đoạn
trích ghi tên tác giả, năm xuất bản và số trang của tài liệu tham khảo đặt
trong dấu ().
Ví dụ: Ông đã phát biểu
rằng: “Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau,
mỗi người đều hướng tới những người khác” (Trần Ngọc Thêm, 1999a, tr…).
Nếu cần trích dẫn dài hơn 2
câu thì phải tách thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với
lề trái lùi vào 1cm, cùng vị trí khi bắt đầu một đoạn văn mới. Gõ toàn bộ trích
dẫn trên lề mới và thụt lề dòng đầu tiên của đoạn tiếp theo trong trích dẫn vào
1cm từ lề mới.
Ví dụ:
Lê
Tử Thành định nghĩa:
Phương pháp lịch sử
nhằm phản ánh trong tư duy quá trình lịch sử cụ thể của sự phát triển. Mỗi sự
vật, hiện tượng đều có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của nó.
Quá
trình ấy biểu hiện cụ thể qua những bước phát triển quanh co, phức tạp, muôn
hình, muôn vẻ, có lúc tất nhiên, có lúc ngẫu nhiên, liên tục xảy ra trong thời
gian[Lê Tử Thành (1991), tr.68].
Nếu không có điều kiện tiếp cận được
tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách
trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong danh mục tài
liệu tham khảo của công trình khoa học.
Ví dụ: Sơn Nam cho rằng “người Nam Bộ
cùng có chút tự ti về nguồn gốc gia phả” (trích dẫn theo: Võ Văn Thành, 2013,
tr…).
Đối với trường hợp trích dẫn diễn giải
Nếu diễn giải ý tưởng của tác phẩm
khác, chỉ phải nêu tác giả và năm xuất bản chứ không phải nêu số trang khi
trích nguồn trong văn bản, nhưng APA khuyến khích cung cấp số trang dù không
bắt buộc.
Đối với tác giả là người Việt Nam nên
ghi đầy đủ họ tên (không nên ghi học vị, chức danh) khi lập trích dẫn, đối với
tác giả là người nước ngoài thì chỉ ghi họ. Trường hợp tác phẩm được trích dẫn có hai tác giả thì nêu tên
cả hai tác giả khi trích nguồn tài liệu tham khảo, sử dụng từ “và” hoặc dấu “&”
giữa tên của hai tác giả tương ứng.
Ví dụ đối với tác giả Việt Nam: trong
các bộ chính sử của Trung Hoa thời phong kiến đã ghi nhận người Chăm là bậc
thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch (Ngô Văn Doanh, 1994); Hoặc:
Theo Ngô Văn Doanh (1994), Trong các bộ chính sử của Trung Hoa thời phong kiến đã
ghi nhận người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc
gạch....
Phan Đại Doãn và Nguyễn Quang Ngọc
(1988) cho rằng..... hoặc …(Phan Đại Doãn & Nguyễn Quang Ngọc, 1988).
Ví dụ đối với tác giả người nước ngoài: nếu 1 tác giả thì ghi: Berndt
(2002) cho rằng… hoặc ….(Berndt, 2002); nếu 2 tác giả thì ghi: Black & Wiliam (1998) cho rằng… hoặc …(Black & Wiliam,
1998); nếu 3 tác giả thì
ghi: Black, Wiliam & James (2011) cho rằng… hoặc …(Black, Wiliam, & James, 2011); nếu bốn tác giả trở lên thì ghi: Black et al., (2015)
cho rằng... hoặc ….(Black et al., 2015).
Đối với trường hợp không biết tác giả
và năm xuất bản không xác định, khi trích dẫn, chỉ cần lấy tiêu đề hoặc đặt một
số từ đầu tiên của tiêu đề trong dấu ngoặc đơn và theo sau là cụm từ viết tắt “n.”.
Ví dụ: (“Tutoring and APA”, n.).
3.4.1.2. Cách viết tài liệu tham khảo theo chuẩn APA
Đối với sách có tác giả: Tên
các tác giả. (Năm xuất bản). Tên tài liệu
tham khảo. Địa điểm: Nhà xuất bản (hoặc ULR - đối với sách điện tử).
Nếu công trình có hai tác giả thì ghi
tên cả hai tác giả và sử dụng dấu “&”; nếu từ ba đến bảy tác giả thì liệt
kê tên tất cả các đồng tác giả, trước tên đồng tác giả cuối cùng có dấu
“&”; nếu tác phẩm có hơn bảy tác giả, liệt kê sáu tác giả đầu, sau đó dùng
dấu ba chấm “...” và đến tên tác giả cuối cùng (trước tên tác giả cuối không có
dấu “& ”); nếu không biết tác giả thì dùng tiêu đề thay tên tác giả…
Ví dụ:
Lê Tử Thành. (1991). Lôgic học và phương pháp nghiên cứu khoa học.
Tp Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
Calfee, R. C., & Valencia, R. R.
(1991). APA guide to preparing
manuscripts for journal publication. Washington, DC: American Psychological
Association.
Hoàng Phê (Chủ biên). (1994). Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: NXB Giáo dục
– Trung tâm từ điển học.
Bộ
Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. (1996). Báo cáo tổng kết 5 năm (1992 – 1996) phát triển lúa lai. Hà Nội: Vụ
tổng hợp – Văn phòng.
Vancouver Community College Library. (2018).
Vancouver Citation Style. Nguồn truy cập: https://library.vcc.ca/media/vcc-library/content-assets/documents/VancouverStyleGuide.pdf
Đối với sách dịch có tên người dịch: Tác
giả. (Năm xuất bản). Tên tác phẩm.
(Dịch giả dịch). Địa điểm: Nhà xuất bản.
Ví dụ: Phùng Hữu Lan.
(1968). Đại cương triết học sử Trung Quốc.
(Nguyễn Văn Dương dịch). Sài Gòn: Đại học Vạn Hạnh.
Đối với luận văn, luận án, đề tài khoa
học: Tác
giả. (Năm). Tên tác phẩm. Luận án tiến sĩ/Luận văn thạc sĩ/Đề tài
nghiên cứu khoa học. Tên cơ quan, địa điểm.
Ví dụ:
Nguyễn
Thị Thanh Thủy. (2013). Các cuộc vận động
dân chủ trong quá trình phi thực dân hóa ở Việt Nam giai đoạn 1904-1945.
Luận án tiến sĩ. Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Ngô
Minh Oanh. (2011). Sự du nhập văn minh
phương Tây vào Nam Bộ Việt Nam thời cận đại trên các lĩnh vực: thiết chế chính
trị, tư tưởng và giáo dục (1859 - 1945). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
Đối với bài báo trong tạp chí:
- Bài báo bản in: Tên
tác giả. (năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tạp chí, tập (số báo), các trang đăng
bài.
Ví dụ: Phạm Phúc Vĩnh.
(2012). Đối thoại giữa ASEAN và Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề
Cam-pu-chia. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam
Á, Số 10 (151)/2012, 10 – 16.
- Bài báo bản điện tử: Tên
tác giả. (năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tạp chí, tập (số báo), các trang đăng
bài. doi: Số DOI[2]
hoặc Nguồn truy cập: URL (Uniform Resource Locator) dẫn đến nội dung của bài
báo.
Ví dụ: Vo Van That & Hoang
Xuan Son. (2023). The development of private economy in Vietnam from 1986 to
2001: from policy to practice. International
Journal of Social Science and Human Research, Volume 06, Issue 02, p. 974-977.
doi: https://doi.org/10.47191/ijsshr/v6-i2-28.
Võ Tòng Xuân. (2003). Giáo dục Việt Nam trước hội nhập toàn cầu: Cần thay
đổi cơ bản và toàn diện. Báo Lao động, ngày
13/5/2003. Nguồn truy cập: http://www.laodong.com.vn/
pls/bld/display$.htnoidung(37,66196).
- Đối với bài viết trong một cuốn sách,
kỉ yếu hội thảo khoa học: Tên tác giả. (năm xuất bản). Tên bài viết.
Tên sách/kỉ yếu. Địa điểm: nhà xuất
bản, các trang đăng bài.
Phạm
Phúc Vĩnh. (2010). Nội dung Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ trong sách giáo khoa
Lịch sử hiện nay. Kỉ yếu Hội thảo khoa
học Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. ĐHSP Tp. HCM,
215-221.
3.4.1.3. Cách sắp xếp tài liệu tham khảo
Danh mục tài liệu tham khảo
được sắp xếp theo thứ tự chữ cái của họ tác giả đầu tiên của mỗi công trình
khoa học. Nếu trùng chữ cái đầu tiên của họ thì xếp theo chữ cái tiếp theo. Nếu
trùng họ thì xếp theo chữ cái đầu tiên của tên đệm. Tất cả các dòng sau của mỗi
mục trong danh mục tài liệu tham khảo sẽ lùi vào 1,0cm so với dòng đầu tiên.
Một tác giả có nhiều tác
phẩm thì sắp xếp theo năm xuất bản từ xa đến gần; nếu có nhiều công trình khoa
học của cùng một tác giả xuất bản trong cùng một năm thì sắp xếp theo thứ tự
chữ cái của tên công trình, sau đó thêm các chữ cái a, b, c,… vào liền sau năm
xuất bản (ví dụ: 2002a; 2002b).
Ví dụ:
Danh mục tài liệu tham khảo
Bộ
Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. (1996). Báo cáo tổng kết 5 năm (1992 – 1996) phát triển lúa lai. Hà Nội: Vụ
tổng hợp – Văn phòng.
Calfee, R. C., & Valencia, R. R.
(1991). APA guide to preparing
manuscripts for journal publication. Washington, DC: American Psychological
Association.
Đặng Phong. (2014a). “Phá rào” trong đêm trước đổi mới. Hà
Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
Đặng Phong. (2014b). Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989. Hà
Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
Hoàng Phê (Chủ biên). (1994). Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: NXB Giáo dục
– Trung tâm từ điển học.
Lê Tử Thành. (1991). Lôgic học và phương pháp nghiên cứu khoa học.
Tp Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
Ngô
Minh Oanh. (2011). Sự du nhập văn minh
phương Tây vào Nam Bộ Việt Nam thời cận đại trên các lĩnh vực: thiết chế chính
trị, tư tưởng và giáo dục (1859 - 1945), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
Nguyễn
Thị Thanh Thủy. (2013). Các cuộc vận động
dân chủ trong quá trình phi thực dân hóa ở Việt Nam giai đoạn 1904-1945.
Luận án tiến sĩ. Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Phạm
Phúc Vĩnh. (2010). Nội dung Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ trong sách giáo khoa
Lịch sử hiện nay. Kỉ yếu Hội thảo khoa
học Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. ĐHSP Tp. HCM,
215-221.
Phạm
Phúc Vĩnh. (2012). Đối thoại giữa ASEAN và Việt Nam trong quá trình giải quyết
vấn đề Cam-pu-chia. Tạp chí Nghiên cứu
Đông Nam Á, Số 10 (151)/2012, 10 – 16.
Phùng
Hữu Lan. (1968). Đại cương triết học sử
Trung Quốc. (Nguyễn Văn Dương dịch). Sài Gòn: Đại học Vạn Hạnh.
Vancouver Community College Library. (2018).
Vancouver Citation Style. Nguồn truy
cập: https://library.vcc.ca/media/vcc-library/content-assets/documents/VancouverStyleGuide.pdf
Võ Văn Thành. (2013). Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
Vo Van That & Hoang Xuan Son. (2023). The development of private economy in Vietnam from 1986 to 2001: from policy to practice. International Journal of Social Science and Human Research, Volume 06, Issue 02, 974-977. doi: https://doi.org/10.47191/ijsshr/v6-i2-28.
[1] APA là từ viết tắt của hiệp hội Tâm
lý học Mỹ (American Psychological Association). Quy tắc và hướng dẫn trích dẫn
của APA được xây dựng từ năm 1929, kiểu trích dẫn này nhấn mạnh vào tên tác giả
và thời gian công bố tác phẩm. Cách trích dẫn được trình bày trong tài liệu này
được xây dựng theo “Publication Manual of the American Psychological
Association, 6th ed., 2nd printing” của APA.
Phần nội dung về lập trích dẫn
và danh mục tài liệu tham khảo theo chuẩn APA được viết chủ yếu dựa theo Hướng
dẫn trích dẫn, trích nguồn và lập danh mục tài liệu tham khảo được ban hành kèm
theo Quyết định số 02/QĐ-XHNV-TTPC-SHTT ngày 19 tháng 01 năm 2018 của Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] DOI (a Digital Object Identifier) là một tên riêng được
tổ chức DOI quốc tế đặt cho mỗi bài báo khoa học xuất bản trên mạng. Tên riêng
này là một đường dẫn tồn tại lâu dài đến vị trí bài báo trên Internet.
TRÍCH DẪN VÀ CHÚ THÍCH TRONG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
1. Ý nghĩa của việc trích dẫn khoa học
Việc
sưu tầm tài liệu và sử dụng chúng trong quá trình biên khảo, nghiên cứu một đề
tài khoa học là công việc rất bình thường của nhà khoa học. Tuy nhiên, để tránh
rơi vào lỗi đạo văn, khi sử dụng kết quả nghiên cứu, những ý tưởng, luận điểm
hoặc quan điểm khoa học,… từ các công trình khoa học của tác giả khác hoặc của
chính bản thân mình đã được công bố trước đó để làm luận cứ cho việc chứng minh
một luận điểm mới hoặc để phân tích những điểm yếu, thậm chí bác bỏ khi phát
hiện những sai lầm của các công trình nghiên cứu trước đó, người nghiên cứu
phải có trách nhiệm ghi xuất xứ của tài liệu đã trích dẫn một cách rõ ràng.
Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết[1].
Cụ
thể, những trường hợp cần ghi trích dẫn bao gồm:
Trích
dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây.
Khi
đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của một người khác làm nền tảng
cho công trình của mình. Thông thường những phát biểu mang tính ngoại lệ, có
thể gây ngạc nhiên.
Những
phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác[2].
Theo quy chế đào tạo tiến sĩ, “luận
án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả
nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ
ràng”[3].
Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác
giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục
Tài liệu tham khảo của công trình nghiên cứu.
Theo Vũ Cao Đàm, việc trích dẫn khoa
học có các ý nghĩa sau:
Thứ nhất, việc viết đầy đủ, rõ ràng xuất xứ
của trích dẫn khoa học là sự thể hiện tính chuẩn xác, trung thực của người
trích dẫn. Nó giúp người đọc dễ dàng tra cứu lại các nguồn tài liệu gốc, các
công bố khoa học mà tác giả đã trích dẫn.
Thứ hai, với một trích dẫn khoa học ghi rõ
ràng, đầy đủ thông tin nguồn trích dẫn thì người đọc (đồng nghiệp) biết rõ về
nguồn gốc của những luận điểm, nhận định được trích dẫn.
Thứ ba, viết đúng trích dẫn khoa học là sự
thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền tác giả. Nếu không ghi trích dẫn
đầy đủ hoặc ghi sai, người làm khoa học hoàn toàn có thể bị tác giả nguồn trích
dẫn kiện và bị xử lý theo quy định của pháp luật quyền tác giả và quyền sở hữu
trí tuệ.
Thứ tư, việc viết đầy đủ, chính xác các nguồn
trích dẫn khoa học là thể hiện sự tôn trọng, trung thực những cam kết về chuẩn
mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học[4].
Việc
ghi rõ trích dẫn khoa học thể hiện tính chuẩn xác, khoa học của công trình
nghiên cứu, sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học của
người nghiên cứu và đồng thời còn thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền
tác giả và buộc người đã nêu ra những luận điểm khoa học được trích dẫn phải
chịu trách nhiệm về nội dung trong các công bố khoa học của mình, “những nghiên cứu khoa học dẫn nguồn càng chi tiết,
càng tỉ mỉ càng chứng tỏ sự ngay thẳng, trung thực của người làm công tác nghiên
cứu. Đó cũng là thái độ thể hiện sự trân trọng thành quả mà những người đi
trước đã tạo dựng nên”[5]. Nhiều người không
ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trích dẫn trong nghiên cứu khoa
học, nên đã cẩu thả hoặc vô ý bỏ qua việc trích dẫn, nhưng cũng có người biết
rõ và cố tình vi phạm vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, người nghiên cứu dù vô
tình hay cố ý dẫn đến việc không trích dẫn nghiêm túc đều bị coi là đạo văn.
2. Các hình thức trích dẫn phổ biến
Trích dẫn trực tiếp: là trích dẫn nguyên văn một phần câu,
một câu, một đoạn văn, hình ảnh, sơ đồ, quy trình,… của bản gốc vào bài viết.
Trích dẫn nguyên văn phải bảo đảm đúng chính xác từng câu, từng chữ, từng dấu
câu được sử dụng trong bản gốc được trích dẫn, phần trích dẫn được đặt trong
ngoặc kép.
Trích dẫn gián tiếp hay trích dẫn diễn giải: là
sử dụng ý tưởng, kết quả, hoặc ý của một vấn đề để diễn tả lại theo cách viết
của mình nhưng phải đảm bảo đúng nội dung của bản gốc. Khi trích dẫn theo cách
này cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thành với
nội dung của bài gốc.
Trích dẫn thứ cấp: là khi người viết không có điều kiện
tiếp cận được tác phẩm gốc mà phải trích dẫn thông qua tác phẩm khác. Khi trích
dẫn theo cách này phải nêu rõ cách trích dẫn này dưới dạng “trích theo”, “dẫn
lại”,… và không liệt kê tài liệu trích dẫn của tác giả của tác phẩm gốc trong
danh mục tài liệu tham khảo. Một tài liệu có yêu cầu khoa học càng cao thì càng
hạn chế trích dẫn thứ cấp mà phải tiếp cận càng nhiều tài liệu gốc càng tốt.
Hiện nay, có nhiều cách lập
trích dẫn và danh mục tài liệu tham khảo khác nhau đang được áp dụng, trong đó sử
dụng phổ biến là: Kiểu trích dẫn theo chuẩn APA (American Psychological
Association) đối với nhóm ngành Khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn;
kiểu trích dẫn theo chuẩn IEEE (Institute of Electrical and Electronics
Engineers) và kiểu trích dẫn trong luận văn, luận án theo quy định năm 2000 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.
Chú thích trong công trình khoa học
Chú thích trong các công trình khoa
học hay còn được gọi là cước chú, hậu chú, đó là phần giải thích, phụ chú, dẫn
chứng, đánh giá hay lời nhận định được trình bày ở cuối mỗi trang hoặc cuối bài
nghiên cứu, luận văn, luận án và sách. Phần chú thích đi kèm phần chính văn, có
tác dụng thuyết minh, thuyết giải, bổ sung, mở rộng thêm thông tin giúp làm rõ
hơn nội dung trong chính văn, giúp người đọc dễ hiểu hơn nhưng vẫn đảm bảo tính
mạch lạc, ngắn gọn của chính văn. Nếu chú thích được đặt ở cuối trang thì gọi
là “cước chú” (footnotes) và đặt ở cuối nội dung chính của bài báo, chương hoặc
cuối sách thì gọi là “hậu chú” (endnotes).
Trong Lôgích học & phương pháp
luận nghiên cứu khoa học, Lê Tử Thành quan niệm: “Theo từ nguyên, cước là chân,
chú là chép nghĩa cho rõ ràng. Cước chú (foot notes, notes aubas de la page) là
những giải thích, dẫn chứng ghi ở cuối mỗi trang, cuối mỗi chương hay cuối cả
phần chính của công trình nghiên cứu, để giúp người đọc biết rõ xuất xứ một
đoạn văn, một ý kiến, một tin tức hoặc để giải thích một chữ, một ý… được dùng
trong bài”[6].
Theo Bùi Trọng Ngoãn:
“Chú thích” là lời ghi thêm, bổ sung
thông tin cho phần chính văn. Thông tin đó có thể là một lời diễn giải hay một
chỉ dẫn nào đó của người viết nhằm thuyết minh thêm cho nội dung đang trình
bày.
Về mặt nội dung thể hiện, chú thích
có các dạng: diễn giải làm rõ hơn nội dung cần thông tin; biện luận kiến giải
về vấn đề, chứng minh thêm cho vấn đề đang nói, nêu nguồn tư liệu được kê cứu,
xuất xứ nguồn dẫn, nêu chỉ dẫn của người viết… Nói chung, chú thích có chức
năng bổ sung thông tin mà phần chính văn chưa thể xử lí hết[7].
Những nội
dung chú thích thường thấy trong các công trình khoa học gồm có: chú thích có
tính chất bổ sung thông tin liên quan đến đối tượng được đề cập đến trong chính
văn, giải thích từ ngữ, bình luận, cung cấp thêm minh chứng, chỉ dẫn người đọc
tham khảo thêm thông tin từ các nguồn khác.
Ví dụ 1: Khi trình
bày về việc ra đời của Đảng Thanh niên, tác giả chú thích nhằm bổ sung thêm thông tin về tên gọi của
Đảng này: “Việc thành lập Đảng Thanh niên[8]
diễn ra một cách bộc phát, gần như không có quá trình chuẩn bị. Chính vì vậy,
bộ máy tổ chức của Đảng, chủ trương chính trị, điều lệ, nguyên tắc hoạt động,
kết nạp đảng viên,… khá tùy tiện, thiếu chặt chẽ”[9].
Ví dụ 2: khi trích dẫn Đại Việt sử kí toàn thư, tác giả dùng chú thích để giải thích khái niệm “tứ phối” trong đoạn trích nhằm giúp người đọc hiểu được khái niệm này khi đọc trong chính văn:
Đến thời Lý, Nho giáo bắt đầu được chú trọng hơn, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Văn Miếu ở Việt Nam được xây dựng ở
Kinh đô Thăng Long từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Đại
Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý
Thánh Tông, mùa Thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ
phối[12],
vẽ tranh thất thập nhị hiền, bốn mùa thờ cúng”[13].
Qua một số ví dụ trên cho thấy, việc chú thích trong công trình khoa học là việc làm cần thiết, giúp người viết trình bày vấn đề khoa học trong chính văn một cách cô đọng, ngắn gọn nhất nhưng người đọc vẫn dễ dàng nắm bắt được chính xác về đối tượng nghiên cứu được đề cập đến trong công trình khoa học.
Để các chú thích phát huy hết giá trị đối với người đọc, người viết phải chọn lọc thông tin, chú thích phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và vừa đủ để giúp người đọc nắm vững vấn đề đang trình bày. Các khái niệm, thuật ngữ hoặc thông tin có tính chất phổ thông hoặc không liên quan nhiều đến nội dung đang trình bày thì không cần chú thích, tránh lạm dụng chú thích để khoe hiểu biết của người viết làm cho công trình khoa học trở nên nặng nề, rườm ra không cần thiết.
(Nguồn: Giáo trình PPNCKHLS, NXB ĐHQG)
[1] Theo Nguyễn Văn Tuấn (2011), kiến
thức thông thường là thông tin được tìm thấy trong nhiều nơi và nhiều người
biết đến.
[2] Nguyễn Văn Tuấn. (2011). Đi vào nghiên cứu
khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb
Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn. tr.176.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm Thông
tư số 10/2009/TT-BGDĐT, ngày 07/5/2009). Hà
Nội.
[4] Vũ Cao Đàm. (2012). Bài giảng môn học Phương pháp nghiên cứu khoa học. Hà Nội: Tài liệu
lưu hành nội bộ. tr. 41.
[5] Nguyễn
Thị Nga - Hoàng Thu Trang. (2019). Thực
hiện liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và
giải pháp. Nguồn: https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/thuc-hien-liem-chinh-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-tai-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-125597.
[6] Lê Tử Thành. (1991). Lôgích học & phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ. tr.101-102.
[7] Bùi Trọng Ngoãn.
(2016). Khái niệm chú thích và cách chú thích trong các công trình khoa học xã
hội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại
học Đà Nẵng, Số 10(107)/2016. tr. 1-6.
[8] Về tên của Đảng Thanh
niên, Trần Huy Liệu cho biết là lúc thống nhất lập đảng thì gọi là Đảng Thanh
niên, Trên Đông Pháp thời báo và nhiều tài liệu cũng ghi là Đảng Thanh niên,
nhưng trong đám tang cụ Phan Châu Trinh thì ghi là Đảng Thanh niên Việt Nam và
nhiều tài liệu ghi tên tiếng Pháp của Đảng là “Party Jeune Annam”.
[9] Phạm Phúc
Vĩnh. (2021). Bối cảnh ra đời và hoạt động của Đảng Thanh Niên ở Nam Kỳ
(1926-1927). Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, Số 76
(4/2021). tr. 52.
[10] Trong hồi kí, Trần Huy
Liệu cho biết, trong nhiều buổi gặp mặt quần chúng do Đảng Lập hiến tổ chức,
Bùi Quang Chiêu chạm trán với nhóm lãnh đạo của Đảng Thanh niên và bị chất vấn
về việc Nguyễn An Ninh bị bắt giam ở Khám Lớn, Bùi Quang Chiêu chỉ trả lời
buông xuôi là: Việc của ông Ninh là một việc chính trị, sao can thiệp được.
[11] Phạm Phúc
Vĩnh. (2021). Bối cảnh ra đời và hoạt động của Đảng Thanh Niên ở Nam Kỳ
(1926-1927). Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, Số 76
(4/2021). tr. 54.
[12] Tứ phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử.
[13] Ngô Sĩ Liên. (1993). Đại việt sử kí toàn thư, Tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội. tr.275.