Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

CÁCH THỨC TRÌNH BÀY CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


1. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN
1.1. Theo Thông tư Số: 19/2012/TT-BGDĐT, ngày  01  tháng  6  năm 2012 về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và Trường Đại học Sài Gòn)
a) Tổng quan tình hình nghiên cứu, lý do chọn đề tài.
b) Mục tiêu đề tài.
c) Phương pháp nghiên cứu.
d) Nội dung khoa học.
đ) Đóng góp về mặt kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng.
e) Hình thức trình bày báo cáo tổng kết đề tài.
g) Điểm thưởng (có công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước).
1.2. Theo Thể lệ Giải thưởng Euréka
1. Về hình thức: cách trình bày công trình (bố cục, sơ đồ, diễn đạt, hình thức...) đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Điều 5 của Thể lệ.
2. Hiệu quả về kinh tế – xã hội của công trình: trình bày rõ những ý nghĩa thực tiễn, hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội mà đề tài nghiên cứu.
3. Xác định nội dung và phương pháp nghiên cứu: luận cứ khoa học, tính độc đáo; nội dung nghiên cứu hợp lý; trình bày chi tiết về tính mới, tính sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng.
           4. Sản phẩm của đề tài: chi tiết hóa được loại hình sản phẩm, cụ thể hóa các chi tiết chất lượng tiên tiến..
          5. Khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu: chứng minh được đề tài có địa chỉ ứng dụng cụ thể, tính khả thi của phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu…
6. Tính hợp lý của kinh phí đề nghị: tính hợp lý, sát thực tế.
7. Tính trung thực trong việc tham khảo và nghiên cứu: nêu cụ thể và trích dẫn đầy đủ ở từng trang về nội dung của sách, báo, tạp chí hoặc đề tài tham khảo.
2. BỐ CỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. Theo Thông tư Số: 19/2012/TT-BGDĐT, ngày  01  tháng  6  năm 2012 về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và Trường Đại học Sài Gòn)
3. Báo cáo tổng kết đề tài được trình bày theo trình tự sau:
3.1. Trang bìa (mẫu 5);
3.2. Trang bìa phụ (mẫu 6);
3.3. Mục lục; 
3.4. Danh mục bảng biểu;
3.5. Danh mục những từ viết tắt (xếp theo thứ tự bảng chữ cái);
3.6. Thông tin kết quả nghiên cứu của đề tài (mẫu 1);
3.7. Thông tin về sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài (mẫu 2);
3.8. Mở đầu: Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đề tài, lý do chọn đề tài, mục tiêu đề tài, phương pháp nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu;
3.9. Các chương 1, 2, 3,...: Các kết quả nghiên cứu đạt được và đánh giá về các kết quả này;
3.10. Kết luận và kiến nghị: Kết luận về các nội dung nghiên cứu đã thực hiện và kiến nghị về các lĩnh vực nên ứng dụng hay sử dụng kết quả nghiên cứu;
3.11. Tài liệu tham khảo (tên tác giả được xếp theo thứ tự bảng chữ cái);
3.12. Phụ lục.
Lưu ý: các biểu mẫu này được đăng tải tại: 
http://qlkh.sgu.edu.vn/public/index.php/bieu-mau
2.2. Theo Thể lệ Giải thưởng Euréka
          1. Đặt vấn đề: nêu lên sự cần thiết của đề tài, lý do chọn đề tài, tổng quan tóm lược đề tài, nêu những giải pháp khoa học đã được giải quyết ở trong và ngoài nước, những vấn đề tồn tại cần được tiếp tục nghiên cứu và phương án giải quyết của tác giả (nhóm tác giả).
          2. Mục tiêu - Phương pháp: mục tiêu của công trình, phương pháp nghiên cứu.
          3. Giải quyết vấn đề: nội dung - kết quả nghiên cứu đạt được.
          4. Kết luận - Đề nghị: ý nghĩa khoa học, hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội, qui mô và phạm vi áp dụng.
          5. Tài liệu tham khảo, phụ lục; danh mục các công trình trước đây của tác giả (nếu có).
3. HÌNH THỨC TRÌNH BÀY CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
3.1. Theo Thông tư Số: 19/2012/TT-BGDĐT, ngày  01  tháng  6  năm 2012 về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và Trường Đại học Sài Gòn)
- Khổ giấy A4 (210 x 297 mm);
- Số trang từ 50 trang đến 100 trang (không tính mục lục, tài liệu tham khảo và phụ lục); font chữ Time New Roman, cỡ chữ 13; paragraph 1,3 - 1,5 line; lề trái 3cm; lề trên, lề dưới, lề phải 2cm.
3.2. Theo Thể lệ Giải thưởng Euréka
1. Nội dung công trình được đánh máy trên một mặt khổ giấy A4 (210 x 297 mm), phông chữ Unicode, cỡ chữ 13, đánh số thứ tự trang ở chính giữa trang, vị trí ở phía trên đầu mỗi trang.
2. Công trình nghiên cứu trình bày trong khoảng 50 trang đánh máy (không tính phụ lục, hình ảnh, số liệu) cho tất cả các lĩnh vực dự thi.
3. Các phần, mục, tiểu mục phải được đánh số thứ tự rõ ràng theo một kiểu thống nhất: 1.; 1.1.; 1.1.1...
4. Các công thức cần viết rõ ràng, dùng các ký hiệu thông thường, các ký hiệu phải có chú thích rõ ràng. Bảng vẽ, biểu đồ, sơ đồ minh họa... phải được đánh số thứ tự kèm theo chú thích.
5. Tên tác giả nước ngoài nêu trong công trình phải viết theo đúng tiếng nước đó hoặc theo cách phiên âm hệ chữ latinh (căn cứ vào tài liệu tham khảo).
6. Không viết tên tác giả, tên trường, tên giảng viên hướng dẫn; không viết lời cám ơn, không được dùng các ký hiệu riêng, gạch dưới các câu trong toàn bộ công trình và không được ký tên. Mục đích nhằm thể hiện tích khách quan, đảm bảo công bằng khi chấm điểm và đánh giá.
7. Trang bìa của công trình phải được đóng bằng giấy bìa cứng, màu xanh nước biển, gáy dán keo màu xanh dương đậm (không dùng gáy lò xo). Trang (số 1, 2 theo mẫu) thông tin về công trình và nhận xét của hội đồng khoa học, tác giả để rời và không được phép ghi bất cứ thông tin nào khác ngoài thông tin theo mẫu.
8. Phần công trình:
          - Tóm tắt công trình (bắt đầu từ trang thứ nhất).
          - Nội dung công trình (trình bày từ trang kế tiếp- trang mới tiếp theo của trang cuối cùng của phần tóm tắt công trình) nội dung qui định như ở điều 4.
4. ĐẠO VĂN VÀ TRÍCH DẪN
4.1. Vấn đề đạo văn trong nghiên cứu khoa học
4.1.1. Định nghĩa đạo văn
Đạo văn là một hình thức gian lận khoa học khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến nạn đạo văn (tranh chấp bản quyền tác giả, sao chép luận văn, luận án và công trình khoa học,…) ở Việt Nam bị phát hiện và công bố trên các phương tiện truyền thông[1]. Vậy thế nào là đạo văn?.
Đạo văn (plariagism), theo Nguyễn Văn Tuấn là:
“Sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của mình. Ở đây, “ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ và lấy những thông tin chuyên ngành mà không để rõ nguồn gốc”[2].
Ngoài ra, một hình thức nữa cũng được xem là đạo văn, đó là “lấy ý tưởng của người khác nhưng viết lại câu văn mà không ghi nguồn; mua luận văn/luận án từ chợ luận văn/luận án trên Internet”[3].
Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh định nghĩa:
Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của người viết những câu văn, đoạn văn, số liệu và ý tưởng của người khác vào công trình khoa học (luận văn, luận án,…) của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã trích.
Khi người viết sử dụng, sao chép, trích dẫn những câu văn, đoạn văn, số liệu và ý tưởng của người khác mà không thông tin cho người đọc biết tác giả của những điều đã được trích dẫn đó, thì được xác định là phạm lỗi đạo văn[4].
Bên cạnh hiện tượng đạo văn, các nhà khoa học còn chỉ ra một hình thức gian lận khoa học khác đó chính là tự đạo văn, nghĩa là “tác giả công bố một bài báo khoa học như là một công trình nghiên mới, nhưng thật chất là “xào nấu” dữ liệu của nghiên cứu cũ mà mình đã công bố trước đây”[5].
4.1.2. Các hình thức của đạo văn
Theo Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, các trường hợp sau đây được coi là đạo văn:
1. Sử dụng công trình của người khác mà cam đoan rằng đó là của mình.
2. Sao chép quá nhiều từ một công trình (mặc dù có chỉ ra nguồn trích) để hình thành một phần lớn công trình của mình.
3. Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ, cụm từ, ý tưởng của tác giả khác, gắn các cụm từ của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết, thay đổi từ ngữ hoặc cụm từ, nhưng giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài văn.
4. Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn (thông tin là của tác giả A, nhưng người viết ghi nguồn trích là của tác B; nguồn thông tin là từ bài viết chưa được xuất bản, nhưng được ghi dưới dạng bài báo, sách được xuất bản)[6].
Tại Trường Đại học Hoa Sen, những hành vi bị xem là đạo văn gồm:
Sao chép nguyên văn 02 (hai) câu liên tiếp mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Sao chép nguyên văn 03 (ba) câu không liên tiếp mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Diễn đạt lại (rephrase) hoặc dịch (translate) toàn bộ một ý nào đó của người khác mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Sử dụng hơn 30% nội dung của một báo cáo cuối kỳ do chính mình viết để nộp cho 2 lớp khác nhau (cùng học kỳ hoặc khác học kỳ) mà không có sự đồng ý của giảng viên;
Sao chép một phần hoặc toàn bộ bài làm của người khác[7].
4.2. Trích dẫn khoa học
Việc sưu tầm tài liệu và sử dụng chúng trong quá trình biên khảo, nghiên cứu một đề tài khoa học là công việc rất bình thường của nhà khoa học. Tuy nhiên, để tránh rơi vào lỗi đạo văn, khi sử dụng kết quả nghiên cứu, những ý tưởng, luận điểm hoặc quan điểm khoa học,… từ các công trình khoa học của tác giả khác hoặc của chính bản thân mình đã được công bố trước đó để làm luận cứ cho việc chứng minh một luận điểm mới hoặc để phân tích những điểm yếu, thậm chí bác bỏ khi phát hiện những sai lầm của các công trình nghiên cứu trước đó, người nghiên cứu phải có trách nhiệm ghi xuất xứ của tài liệu đã trích dẫn một cách rõ ràng[8]. Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết[9].
Cụ thể, những trường hợp cần ghi trích dẫn bao gồm:
Trích dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây.
Khi đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của một người khác làm nền tảng cho công trình của mình. Thông thường những phát biểu mang tính ngoại lệ, có thể gây ngạc nhiên.
Những phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác[10].
Theo quy chế đào tạo tiến sĩ thì “luận án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng”[11].
Nhiều người không ý thức được tầm quan trọng của việc trích dẫn trong nghiên cứu khoa học, nên đã cẩu thả hoặc vô ý bỏ qua việc trích dẫn, nhưng cũng có người biết rõ và cố tình vi phạm vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, người nghiên cứu dù vô tình hay cố ý dẫn đến việc không trích dẫn nghiêm túc đều bị coi là đạo văn. Việc ghi rõ trích dẫn khoa học thể hiện tính chuẩn xác, khoa học của công trình nghiên cứu, sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học của người nghiên cứu và đồng thời còn thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền tác giả và buộc người đã nêu ra những luận điểm khoa học được trích dẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung trong các công bố khoa học của mình.
4.3. Cách viết trích dẫn trong công trình khoa học
4.3.1. Quy định hình thức viết trích dẫn đối với khóa luận, luận văn, luận án
Đối với trường hợp trích dẫn nguyên văn[12]:
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cách ghi trích dẫn phải căn cứ theo số thứ tự của tài liệu ở danh mục tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông, có cả số trang, ví dụ [15, tr. 314 - 315] (15 là số thứ tự tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo, 314 - 315 là trang của tài liệu được trích dẫn). Đối với phần được trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, số của các tài liệu đó được đặt trong cùng một ngoặc vuông, theo thứ tự tăng dần, ví dụ [5, 21, 49]. Đối với các tài liệu liên tiếp, dùng gạch nối giữa các số thứ tự của tài liệu trích dẫn, ví dụ [7-11].
Nếu không có điều kiện tiếp cận được tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, ví dụ: [Dẫn lại: 16, tr.20], đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo của công trình khoa học.
Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn.
Ví dụ: Trong cuốn Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Lê Tử Thành viết: “Phương pháp logic nhằm khám phá bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của sự vật trong quá trình phát triển”[8, tr.69].
Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, lề trái lùi vào 2,0 cm. Khi này mở đầu và kết thúc đoạn trích này không phải sử dụng dấu ngoặc kép.
Ví dụ: Lê Tử Thành định nghĩa:
Phương pháp lịch sử nhằm phản ánh trong tư duy quá trình lịch sử cụ thể của sự phát triển. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của nó. Quá trình ấy biểu hiện cụ thể qua những bước phát triển quanh co, phức tạp, muôn hình, muôn vẻ, có lúc tất nhiên, có lúc ngẫu nhiên, liên tục xảy ra trong thời gian[8, tr.68].
Đối với trường hợp trích dẫn diễn giải[13]: Khi trích dẫn, nhà nghiên cứu chỉ cần ghi nhận tác giả của, năm xuất bản của công trình có chưa ý tưởng, nội dung được trích dẫn, không bắt buộc phải ghi số trang. Ví dụ: trong một kết quả nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, Vũ Minh Giang (2009) đã chỉ ra rằng vùng đất Nam Bộ của Việt Nam trước đây là lãnh thổ của vương quốc cổ Phù Nam (tồn tại từ thế kỉ I đến thế kỉ VII).
4.3.2. Các hình thức viết trích dẫn khác
Ngoài cách trích dẫn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay còn có một số cách trích dẫn khác cũng được áp dụng.
Trích dẫn theo tác giả: Đại học Quốc gia Hà Nội có quy định cho phép trích dẫn theo tác giả trong luận văn, luận án[14].
Khi trích dẫn nguyên văn theo tác giả, nội dung trích dẫn phải được trình bày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng phần chỉ dẫn nguồn, nhà nghiên cứu ghi rõ họ tên tác giả, năm, trang (nếu cần) được đặt trong cùng một ngoặc vuông, ví dụ [Nguyễn Văn A, 1986,  tr. 17-21]. Nếu có từ hai tài liệu trở lên của cùng một tác giả xuất bản trong cùng một năm thì ghi thêm chữ cái a, b, c, ... sau năm xuất bản, ví dụ [Nguyễn Văn A, 1986a], [Nguyễn Văn A, 1986b]. Đối với trường hợp trích dẫn diễn giải thì cách ghi giống như ở mục 3.2.2.1.
Trích dẫn đặt ở footnotes: là hình thức ghi trích dẫn nguyên văn mà phần chỉ dẫn nguồn của nội dung trích dẫn được ghi ở phần chân trang (footnotes). Các ghi này thường được sử dụng khá phổ biết trong các loại sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo,… được xuất bản ở Việt Nam.
Trích dẫn đặt ở endnotes: là hình thức ghi trích dẫn nguyên văn mà phần chỉ dẫn nguồn của nội dung trích dẫn được ghi ở phần cuối cùng của bài viết (endnotes). Các ghi này thường được sử dụng khá phổ biết trong các tham luận khoa học, bài báo khoa học.
Cách ghi chỉ dẫn nguồn cho hình thức trích dẫn footnotes và endnotes được thực hiện theo quy định về cách viết tài liệu tham khảo và thêm số trang ở cuối. Ví dụ: Phan Ngọc Liên (CB) (2011), Phương pháp luận sử học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 97.
5. CÁCH VIẾT VÀ SẮP XẾP TÀI LIỆU THAM KHẢO
5.1. Viết tài liệu tham khảo
Theo hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội, tài liệu tham khảo là sách, luận văn, luận án, báo cáo phải ghi đầy đủ các thông tin theo đúng quy định sau:
Đối với sách: Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành (năm xuất bản), tên sách (in nghiêng), nhà xuất bản, nơi xuất bản.
Ví dụ: Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (1996), Báo cáo tổng kết 5 năm (1992 – 1996) phát triển lúa lai, Hà Nội.
Nếu công trình có nhiều tác giả thì ghi theo ví dụ: Nguyễn Văn Hộ - Nguyễn Đăng Bình (2004), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (tài liệu dùng cho các lớp cao học thạc sĩ), Đại học Thái Nguyên.
Nếu công trình có nhiều tác giả nhưng do một người chủ biên thì ghi theo ví dụ: Phan Ngọc Liên (Chủ biên) (2003), Phương pháp luận sử học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Đối với luận văn, luận án, báo cáo, đề tài khoa học: Họ tên tác giả (năm tốt nghiệp), tên của đề tài, báo cáo (in nghiêng), Luận án tiến sĩ/Luận văn thạc sĩ/Đề tài nghiên cứu khoa học cấp…, Cơ sở đào tạo/Cơ quan quản lí.
Ví dụ: Nguyễn Thị Thanh Thủy (2013), Các cuộc vận động dân chủ trong quá trình phi thực dân hóa ở Việt Nam giai đoạn 1904-1945, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngô Minh Oanh (2011), Sự du nhập văn minh phương Tây vào Nam Bộ Việt Nam thời cận đại trên các lĩnh vực: thiết chế chính trị, tư tưởng và giáo dục (1859 - 1945), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với bài báo trong tạp chí, bài viết trong một cuốn sách: Tên các tác giả (năm công bố), “tên bài báo” (không in nghiêng), tên tạp chí hoặc tên sách (in nghiêng), tập, số ?, các trang (gạch ngang giữa hai số trang).
Ví dụ: Phạm Phúc Vĩnh (2012), “Đối thoại giữa ASEAN và Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề Cam-pu-chia”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 10 (151)/2012, tr.10 – 16.
Đối với tài liệu được xuất bản trên Internet: Hiện nay có nhiều cách ghi khác nhau, nhưng thông thường, để người đọc có thể truy tìm nguồn gốc của tài liệu dễ dàng, các nhà nghiên cứu thường viết như sau:
Họ Tên tác giả (năm xuất bản tài liệu), “tên của tài liệu/bài viết”, Tên tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm quản lý website, nguồn: đường dẫn của tài liệu trên website, ngày truy cập.
Ví dụ: Võ Tòng Xuân (2003), “Giáo dục Việt Nam trước hội nhập toàn cầu: Cần thay đổi cơ bản và toàn diện”, Báo Lao động, http://www.laodong.com.vn/ pls/bld/display$.htnoidung(37,66196), ngày 13/5/2003.
Cần chú ý những chi tiết về trình bày nêu trên. Nếu tài liệu dài hơn một dòng thì nên trình bày sao cho từ dòng thứ hai lùi vào so với dòng thứ nhất 1cm để phần tài liệu tham khảo được rõ ràng và dễ theo dõi.
5.2. Sắp xếp tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo từng ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung, Nhật, …). Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch, kể cả bằng tiếng Trung Quốc, Nhật (đối với những tài liệu bằng ngôn ngữ còn ít người biết có thể thêm phần dịch tiếng Việt đi kèm theo mỗi tài liệu).
Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC theo thông lệ của từng nước:
-  Tác giả là người nước ngoài: xếp thứ tự ABC theo họ.
-  Tác giả là người Việt Nam: xếp thứ tự ABC theo tên, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự thông thường của tên người Việt Nam, không tên đảo lên trước họ.
-  Tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC từ đầu của tên cơ quan ban hành báo các hay ấn phẩm; chẳng hạn như: Tổng cục thống kê xếp vào vần T, Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào vần B, …

Ví dụ:
Tiếng Việt
[1]. Bộ Nông nghiệp & PTNT (1996), Báo cáo tổng kết 5 năm (1992 – 1996) phát triển lúa lai, Hà Nội.
[2]. Phan Ngọc Liên (Chủ biên) (2003), Phương pháp luận sử học, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Thị Thanh Thủy (2013), “Các cuộc vận động dân chủ trong quá trình phi thực dân hóa ở Việt Nam giai đoạn 1904-1945”, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[26]. Phạm Phúc Vĩnh (2012), “Đối thoại giữa ASEAN và Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề Cam-pu-chia”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 10 (151)/2012, tr.10 – 16.
[27]. Võ Tòng Xuân (2003), “Giáo dục Việt Nam trước hội nhập toàn cầu: Cần thay đổi cơ bản và toàn diện”, Báo Lao động, http://www.laodong.com.vn/ pls/bld/display$.htnoidung(37,66196), ngày 13/5/2003.
Tiếng Anh
[28]. Anderson, J.E. (1985), “The Relative Inefficiency of Quota, The Cheese Case”, American Economic Review, 75(1), p. 178-90.
[30]. Burton G. W. (1988), “Cytoplasmic male-sterility in pesrl millet (penni-setum glaucum L.)”, Agronomic Journal 50, pp. 230-231.
[31]. Central Statistical Organization (1995), Statistical Year Book, Beijing.
[32]. Sogunro. (2002), “Selecting a quantitative or qualitative research methodology: An experience”, Educational Research Quarterly 26 (1), p. 3-10.
Ngoài cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo trên, một số nhà nghiên cứu sắp xếp và phân loại tài liệu tham khảo theo chủ đề. Ví dụ như: A. Tiếng Việt: Tài liệu gốc; Sách tham khảo; Báo – tạp chí,…; B. Tiếng Anh; C. Tiếng Pháp; D. Tiếng Trung Quốc.




[1] Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ kết quả chấm luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ số 00443/71KH2 của học viên NTMT, chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh, khóa 2002-2005.
Vào năm 2006, học viên NTMT bảo vệ luận văn thạc sĩ, sau đó được cấp bằng thạc sĩ số 00443/71KH2. Khi tham khảo luận văn của Nguyễn Thị Minh Tâm lưu trữ tại thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, một cá nhân phát hiện luận văn này phần lớn được sao chép từ luận văn của một người đã bảo vệ thành công trước đó, liền báo cho lãnh đạo nhà trường.
 Trường đã lập hội đồng thẩm định và kết luận học viên NTMT đã có hành vi sao chép luận văn, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh [Báo Người Lao động, Thứ Ba, 23/08/2011].
[2] Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 111.
[3] Báo Sinh viên Việt Nam, ngày 15/06/2012.
[4] Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (2013), Quy định hình thức xử lí đạo văn (Công văn số 3151/QyĐ-ĐHKT-VSĐH, ngày 31/10/2013 của Hiệu trưởng Trưng Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), tr. 1.
[5] Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 111.
[6] Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (2013), Quy định hình thức xử lí đạo văn (Công văn số 3151/QyĐ-ĐHKT-VSĐH, ngày 31/10/2013 của Trưởng Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), tr. 1-2.
[7] Trường Đại học Hoa Sen (2012), Quy định về việc phòng chống đạo văn tại Đại học Hoa Sen (Bản phác thảo), Nguồn: http://thuvien.hoasen.edu.vn/ho-tro/huong-dan/chuyen-de-phong-tranh-dao-van/(truy cập vào lúc 16h00, ngày 20/4/2014).
[8] Về cách trích dẫn, xem ở mục 3.2.2. Cách viết trích dẫn trong công trình khoa học.
[9] Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, kiến thức thông thường là thông tin được tìm thấy trong nhiều nơi và nhiều người biết đến.
[10] Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 176.
[11] Quy chế đào tạo Tiến sĩ, Ban hành kèm Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT, ngày 07/5/2009.
[12] Trích dẫn nguyên văn là cách trích dẫn mà nhà nghiên cứu sao chép chính xác từ ngữ, câu, đoạn văn từ công trình khoa học khác.
[13] Trích dẫn diễn giải là người trích dẫn sẽ diễn giải câu chữ của tác giả khác bằng câu chữ của mình, sử dụng từ ngữ khác mà không làm khác đi nghĩa nguyên gốc.
[14] Công văn Số: 45/ĐT (về việc hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ), ngày 27 tháng 02 năm  2003 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.