Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

QUY ĐỊNH VỀ ĐẠO VĂN VÀ TRÍCH DẪN KHOA HỌC

1. Đạo văn là gì?
Đạo văn là một hình thức gian lận khoa học khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến nạn đạo văn (tranh chấp bản quyền tác giả, sao chép luận văn, luận án và công trình khoa học,…) ở Việt Nam bị phát hiện và công bố trên các phương tiện truyền thông[1].
Trong nghiên cứu khoa học, lỗi đạo văn được xem lỗi vi phạm về đạo đức của nhà khoa học, đồng thời hành vi này còn vi phạm luật về sở hữu trí tuệ. Do đó, khi công trình khoa học bị phát hiện đạo văn (dù cố tình hay vô ý), các cơ quan quản lí, các cơ sở đào tạo sẽ có những biện pháp xử lí thích đáng[2] và đặc biệt nghiêm trọng hơn là bị cộng đồng khoa học lên án, tẩy chay. Cụ thể, trong quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam như Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Hoa Sen đã ban hành quy định về trích dẫn và xử lí các hành vi đạo văn đã có những quy định và chế tài xử lí hành vi đạo văn của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Theo định nghĩa của Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh thì:
Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của người viết những câu văn, đoạn văn, số liệu và ý tưởng của người khác vào công trình khoa học (luận văn, luận án,…) của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã trích.
Khi người viết sử dụng, sao chép, trích dẫn những câu văn, đoạn văn, số liệu và ý tưởng của người khác mà không thông tin cho người đọc biết tác giả của những điều đã được trích dẫn đó, thì được xác định là phạm lỗi đạo văn[3].
2. Các hình thức của đạo văn
Theo Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, các hình thức đạo văn gồm có:
1. Sử dụng công trình của người khác mà cam đoan rằng đó là của mình.
2. Sao chép quá nhiều từ một công trình (mặc dù có chỉ ra nguồn trích) để hình thành một phần lớn công trình của mình.
3. Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ, cụm từ, ý tưởng của tác giả khác, gắn các cụm từ của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết, thay đổi từ ngữ hoặc cụm từ, nhưng giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài văn.
4. Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn (thông tin là của tác giả A, nhưng người viết ghi nguồn trích là của tác B; nguồn thông tin là từ bài viết chưa được xuất bản, nhưng được ghi dưới dạng bài báo, sách được xuất bản)[4].
Tại Trường Đại học Hoa Sen, những hành vi bị xem là đạo văn gồm:
Sao chép nguyên văn 02 (hai) câu liên tiếp mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Sao chép nguyên văn 03 (ba) câu không liên tiếp mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Diễn đạt lại (rephrase) hoặc dịch (translate) toàn bộ một ý nào đó của người khác mà không dẫn nguồn đúng quy định;
Sử dụng hơn 30% nội dung của một báo cáo cuối kỳ do chính mình viết để nộp cho 2 lớp khác nhau (cùng học kỳ hoặc khác học kỳ) mà không có sự đồng ý của giảng viên;
Sao chép một phần hoặc toàn bộ bài làm của người khác[5].
Ngoài ra, theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, một hình thức nữa cũng được xem là đạo văn, đó là “lấy ý tưởng của người khác nhưng viết lại câu văn mà không ghi nguồn; mua luận văn/luận án từ chợ luận văn/luận án trên Internet”[6].
3. Vấn đề trích dẫn khoa học
Việc sưu tầm tài liệu và sử dụng chúng trong quá trình biên khảo, nghiên cứu một đề tài khoa học là công việc rất bình thường của nhà khoa học. Tuy nhiên, để tránh rơi vào lỗi đạo văn, khi sử dụng kết quả nghiên cứu, những ý tưởng, luận điểm hoặc quan điểm khoa học,… từ các công trình khoa học của tác giả khác hoặc của chính bản thân mình đã được công bố trước đó để làm luận cứ cho việc chứng minh một luận điểm mới hoặc để phân tích những điểm yếu, thậm chí bác bỏ khi phát hiện những sai lầm của các công trình nghiên cứu trước đó, người nghiên cứu phải có trách nhiệm ghi xuất xứ của tài liệu đã trích dẫn một cách rõ ràng[7]. Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết.
Cụ thể, những trường hợp cần ghi trích dẫn bao gồm:
Trích dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây.
Khi đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của một người khác làm nền tảng cho công trình của mình. Thông thường những phát biểu mang tính ngoại lệ, có thể gây ngạc nhiên.
Những phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác[8].
Quy chế đào tạo tiến sĩ và Quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ về việc trích dẫn trong luận văn, luận án: Dưới đây là quy định được ghi trong quy chế đào tạo tiến sĩ:
Luận án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ[9].
Nhiều người không ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc trích dẫn trong nghiên cứu khoa học, nên đã cẩu thả hoặc vô ý bỏ qua việc trích dẫn, nhưng cũng có người biết rõ và cố tình vi phạm vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, người nghiên cứu dù vô tình hay cố ý dẫn đến việc không trích dẫn nghiêm túc đều bị coi là đạo văn.
Việc ghi rõ trích dẫn khoa học thể hiện tính chuẩn xác, khoa học của công trình nghiên cứu, sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học của người nghiên cứu và đồng thời còn thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về quyền tác giả và buộc người đã nêu ra những luận điểm khoa học được trích dẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung trong các công bố khoa học của mình.


[1] Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM đã ra quyết định hủy bỏ kết quả chấm luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ số 00443/71KH2 của học viên Nguyễn Thị Minh Tâm, chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh, khóa 2002-2005.
Vào năm 2006, học viên Nguyễn Thị Minh Tâm bảo vệ luận văn thạc sĩ, sau đó được cấp bằng thạc sĩ số 00443/71KH2. Khi tham khảo luận văn của Nguyễn Thị Minh Tâm lưu trữ tại thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, một cá nhân phát hiện luận văn này phần lớn được sao chép từ luận văn của một người đã bảo vệ thành công trước đó, liền báo cho lãnh đạo nhà trường.
 Trường đã lập hội đồng thẩm định và kết luận học viên Nguyễn Thị Minh Tâm đã có hành vi sao chép luận văn, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học của Đại học Quốc gia TP. HCM [Tin tức Báo Người Lao động, Thứ Ba, 23/08/2011].
[2] Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh quy định, nếu tiểu luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh bị phát hiện đạo văn, tùy thời điểm bị phát hiện, mức độ vi phạm sẽ bị xử lí từ hình thức bắt chỉnh sửa lại mới cho bảo vệ (phát hiện trước khi bảo vệ), đình chỉ bảo vệ, buộc phải chỉnh sửa lại (phát hiện trong khi bảo vệ) và hủy kết quả (phát hiện sau khi bảo vệ, chưa được cấp bằng) và thu hồi văn bằng đã cấp (phát hiện sau khi bảo vệ, đã được cấp bằng).  Đối với tiểu luận, bài tập vi phạm thì sẽ bị hủy kết quả đến trừ điểm (Xem thêm phụ lục 11).
Trường Đại học Hoa Sen quy định: nếu bị phát hiện đạo văn, bất kể mức độ vi phạm, sinh viên phải nhận điểm 0 và bị kỉ luật.
[3]Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (2013), Quy định hình thức xử lí đạo văn (Công văn số 3151/QyĐ-ĐHKT-VSĐH, ngày 31/10/2013 của Hiệu trưởng Trưởng Đại học Kinh tế Tp. HCM), tr. 1.
[4] Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (2013), Quy định hình thức xử lí đạo văn (Công văn số 3151/QyĐ-ĐHKT-VSĐH, ngày 31/10/2013 của Hiệu trưởng Trưởng Đại học Kinh tế Tp. HCM), tr. 1-2.
[5] Trường Đại học Hoa Sen (2012), Quy định về việc phòng chống đạo văn tại Đại học Hoa Sen (Bản phác thảo), Nguồn: http://thuvien.hoasen.edu.vn/ho-tro/huong-dan/chuyen-de-phong-tranh-dao-van/(truy cập vào lúc 16h00, ngày 20/4/2014).
[6] Báo Sinh viên Việt Nam, ngày 15/06/2012].
[7] Về cách trích dẫn, xem ở mục 3.2.2. Cách viết trích dẫn trong công trình khoa học.
[8] Nguyễn Văn Tuấn (2011), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb Tổng hợp Tp. HCM – Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 176.
[9] Quy chế đào tạo Tiến sĩ, Ban hành kèm Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT, ngày 07/5/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn Anh/Cbij đã góp ý, nhận xét và đánh giá. Chúng tôi sẽ có phản hổi trong thời gian sớm nhất có thể.